Triển khai gói 30.000 tỷ: 2 tháng, 2 doanh nghiệp được vay

    Sau hơn 2 tháng triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, một số vướng mắc đã được chỉ ra từ chính những người trong cuộc.

    Sau hơn 2 tháng triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, một số vướng mắc đã được chỉ ra từ chính những người trong cuộc.

     

    Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, dù các bên liên quan đã có nhiều cố gắng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, song do đây là một chính sách khá mới, lần đầu được triển khai nên những khó khăn ban đầu là khó tránh khỏi.

    Ì ạch khởi động
     
     
     
    Nguồn cung hạn chế và khả năng trả nợ của người dân sẽ là những rào cản hiện hữu lớn nhất của việc giải ngân gói 30.000 tỷ.
     
     

    Thực tế thì đến thời điểm này, mới chỉ có 2 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xác nhận vay vốn từ gói hỗ trợ nói trên, với tổng giá trị gần 660 tỷ đồng.

    Trong đó Công ty Cổ phần VicoLand là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên Huế được vay 117,7 tỷ đồng, và Công ty Địa ốc Hoàng Quân, chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà xã hội tại Tp.HCM vay 540 tỷ đồng. Trong đó, VicoLand cũng mới chỉ được giải ngân 34 tỷ đồng.

    Đối với hộ gia đình, hiện các ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng cá nhân với số tiền là 46,2 tỷ đồng, đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. Hiện một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV cũng đang tiếp nhận khoảng 260 hồ sơ xin vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, theo xác nhận của đại diện Vietinbank, hiện ngân hàng này cũng mới chỉ ký hợp đồng với 20 dự án có hợp tác liên kết với ngân hàng, và đã ký 66 khách hàng cá nhân với giá trị là 20,3 tỷ đồng.

    Đặc biệt, dù đặt khá nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ của Chính phủ, song ông Nguyễn Ngọc Thành, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã bày tỏ thất vọng khi tiếp cận gói tín dụng này.

    Ông cho biết, khi đến các chi nhánh của ngân hàng được giao triển khai gói hỗ trợ thì ở đây đều trả lời rằng “chưa có hướng dẫn của hội sở”. Không những thế, tại ngân hàng Vietinbank, các nhân viên ở đây còn yêu cầu các chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ sổ đỏ mới được vay vốn, trong khi dự án đang triển khai dở dang thì “lấy đâu ra sổ đỏ”. 

    Một số ngân hàng khác thì ra điều kiện, nếu không có sổ đỏ, khách hàng vay mua nhà mà không trả được thì chủ đầu tư phải mua lại để lấy tiền trả cho ngân hàng, theo ông Thành, đây là một “ràng buộc chưa có tiền lệ”.

    Trước những bất cập nói trên, ông chủ của khá nhiều dự án bất động sản ở Hải Phòng này đã kiến nghị trực tiếp lên UBND thành phố ban hành một quy định riêng, song câu trả lời nhận được vẫn chỉ là “chờ Trung ương hướng dẫn”.

    Nhà quản lý cũng thấy “vướng”

    Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản ngày 9/8, việc làm thế nào để giải ngân gói 30.000 tỷ dường như đã trở thành nội dung chính của cuộc họp.

    Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay, trong Thông tư 07/2013 của Bộ có yêu cầu hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn để mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải có xác nhận về điều kiện cư trú và thực trạng nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít UBND phường đã không xác nhận cho người dân với lý do không thể biết được đối tượng đó có khó khăn về nhà ở thực sự hay không, cũng như không thể biết họ có bao nhiêu nhà…

    Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, khó khăn, vướng mắc quan trọng hơn chính là nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng. Càng khó hơn nữa, khi điều kiện để vay vốn phải là các hợp đồng mua nhà được ký sau ngày 7/1/2013 - thời điểm Nghị quyết 02 có hiệu lực, trong khi số dự án thuộc dạng này trên địa bàn cả nước dường như cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Bên cạnh đó, dù Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, Tp.HCM đã phối hợp để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng các dự án nhà ở sang nhà xã hội, song thực tế đến nay, tại Hà Nội cũng mới chỉ có 12 dự án xin chuyển đổi mục đích nhà thương mại sang nhà xã hội, 14 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ. Thực tế thì thành phố Hà Nội cũng mới chỉ quyết định cho 2 dự án được chuyển đổi.

    Tại Tp.HCM, dù các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 26 hồ sơ của các dự án đăng ký điều chỉnh, song đến thời điểm này UBND thành phố vẫn chưa có bất kỳ một quyết định chính thức cho phép chuyển đổi hay điều chỉnh đối với một dự án nào. 

    Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, vướng mắc nữa là khi vay vốn, các ngân hàng đều yêu cầu người dân phải chứng minh được khả năng trả nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết những người vay vốn đều là người thu nhập thấp. Trong nhiều trường hợp, người dân phải từ bỏ giấc mơ có nhà khi mà thu nhập của họ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

    “Rào cản” này càng được minh chứng khi Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, qua điều tra, phần đông người lao động, cán bộ công nhân viên trên địa bàn Tp.HCM có thu nhập chỉ 8 triệu đồng/tháng.

    Theo ông, với ngần đó số tiền, chi cho ăn ở, đi lại đã chiếm đến 80%, phần tích luỹ chỉ còn rất thấp. Điều đó cho thấy, khả năng thanh toán thực tế của người dân là rất khó khăn.

    “Một gia đình nếu vay khoảng 500 triệu đồng thì một năm phải trả khoảng 40 triệu đồng tiền lãi cho ngân hàng, chưa kể gốc”, ông Tín nói.

    Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, thực tế triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là còn khó hơn cả việc xây dựng và ban hành ra Nghị quyết 02.

    Ông nhìn nhận, việc chuyển đổi công năng dự án cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì đa số nhà dự án nhà ở thương mại hiện nay đều có giá thành, giá bán rất cao, chủ đầu tư không thể hạ xuống quá thấp được.
     

    Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, gói 30.000 tỷ muốn giải ngân được phải có cung, nếu không có nhà để bán cho dân thì tiền cũng ứ trong két. Còn vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội thì chứng tỏ cơ chế, chính sách chưa thoả đáng. 

     

    Theo CaFeF