Vụ Sơn Tùng M-TP: Cả làng nhạc không kết luận nổi một bài hát?

    Những ngày qua, vụ việc liên quan đến nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP đã cho thấy một thực trạng đáng buồn về ý thức nghệ sĩ cũng như bối cảnh rối rắm của làng nhạc Việt.

    Những ngày qua, vụ việc liên quan đến nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP đã cho thấy một thực trạng đáng buồn về ý thức nghệ sĩ cũng như bối cảnh rối rắm của làng nhạc Việt. 

     

    Mới bước vào làng nhạc không lâu, Sơn Tùng M-TP đã sớm bước lên hàng ngôi sao với một cơ số ca khúc hit và lượng fan hùng hậu. Sơn Tùng M-TP từng góp mặt trong danh sách những đề cử đại diện Việt Nam ở giải thưởng âm nhạc uy tín quốc EMAs 2014 bên cạnh các đàn anh, đàn chị có thâm niên nhất định trong nghề. Thế nhưng, bên cạnh sự thành công mang tính cá nhân của Sơn Tùng, những "vết tích" về nghi vấn đạo nhạc đã làm u ám làng nhạc nhẹ suốt thời gian qua mà tới giờ, vẫn chưa có một cách giải quyết nào thấu đáo dưới con mắt dư luận.
     
     

     

    Sự im lặng khó hiểu của Sơn Tùng M-TP

     

    Khi nghi án nổ ra, nghi vấn đổ dồn về Sơn Tùng và dư luận mong chờ một câu trả lời xác đáng, một sự tự bảo vệ bản thân trước tiên. Đáp lại, Sơn Tùng im lặng và chính thái độ này đã đẩy sự việc đi xa, đến mức mất kiểm soát về truyền thông và hình ảnh nghệ sĩ. Khán giả, truyền thông không dừng lại ở thái độ chừng mực, văn hóa mà nổ ra cả những mâu thuẫn, tranh cãi liên tục trên những diễn đàn suốt một thời gian dài.

     

    Tất cả những sự việc trước đây được xâu chuỗi lại và Sơn Tùng M-TP từ một hình tượng đẹp đã biến tưởng trở thành một hình ảnh méo mó trong con mắt khán giả khi liên tục nhận những ý kiến trái chiều, giới chuyên môn lên tiếng nhận định cũng phân thành những luồng đánh giá khác nhau càng khiến khán giả hoang mang sự thẩm định cơ bản về một tác phẩm liệu có khó đến như vậy.

     

    Trước nghi án đạo nhái ầm ĩ nhất vừa qua, Sơn Tùng từng trả lời rằng: “cảm hứng sáng tác tự nhiên bật đến” khiến anh “cầm bút và viết ngay bài hát”. Cách trả lời này không làm thỏa mãn dư luận, ngay cả những người đang bênh vực cũng nhận thấy câu trả lời không đi vào trọng tâm vấn đề. Trong nghi án mới nhất, Sơn Tùng lại khẳng định phần giai điệu (melody) và lời bài hát là của cậu viết, và đưa phần beat, mấu chốt của scandal đạo nhạc, sang trách nhiệm của công ty cũ. Ngay sau phát ngôn trên, nhạc sĩ Phó Đức Phương lên tiếng một lần nữa, cho rằng Tùng đạo cả beat nhạc lẫn giai điệu.

     

    Vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu Sơn Tùng tự trả lời minh bạch cách sáng tác của mình ngay từ đầu. Nhưng thái độ im lặng, rồi sau đó là cách trả lời nhát gừng đã khiến sự nghi ngờ dư luận, truyền thông ngày càng tăng lên vì nếu trong sạch. Hơn ai hết, Sơn Tùng phải tự bảo vệ mình trước dư luận. Việc minh bạch rõ quá trình sáng tác không chỉ là cách Sơn Tùng bảo vệ mình mà còn làm rõ người phải chịu trách nhiệm nếu việc đạo nhạc được làm rõ. Sơn Tùng hoàn toàn có thể lấy lại sự trong sạch cho mình mà không cần phải bảo vệ cho ai nếu sự việc này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cậu.

     

    Đạo nhạc là lỗi của ai?

     

    Sơn Tùng bị tố đạo beat nhưng các vấn đề pháp lý về beat nhạc không đơn giản. Beat (bản phối) là phần đệm, phần nền vòng hòa thanh của một bài hát. Vấn đề tác quyền về beat nhạc vẫn nằm trong sự tranh cãi chưa được ngã ngũ. Ở Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ thừa nhận vai trò chủ sở hữu của người sản xuất beat, nhưng họ chưa bao giờ đứng chung tên với tác giả ca khúc, lại càng hiếm khi tham gia vào các vụ tranh chấp tác quyền.

     

    Tranh chấp về phần beat (bản phối) ở nước ta là tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, là bàn chuyện sử dụng, thỏa thuận và nghĩa vụ thanh toán. Giữa những chợ beat mọc đầy trên Internet, với “rừng” beat được vay mượn chồng chéo nhau, rất khó xác định ai là chủ sở hữu của bản beat gốc.

     

     

     

    Sơn Tùng là nạn nhân của một nền âm nhạc thiếu chuyên nghiệp

     

    Dẫu có xác định được chủ sở hữu của bản beat gốc, mà người này còn chưa có động thái phản ứng thì rất khó để xử lý như một bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp tác quyền tại tòa án quốc tế. Nếu chủ sở hữu bản beat này chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì liệu có phát sinh quyền kiện cáo hay chưa?...

     

    Một bản ghi âm ra đời là cả một quá trình gồm: người sáng tác, người hòa âm, nhà sản xuất âm nhạc và cố vấn chuyên môn cộng tác với nhau, đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình ấy. Nói như một vị nhạc sĩ lão làng: “Sơn Tùng chỉ là tác giả điển hình và cậu ta chính là nạn nhân của cả một lối sáng tác, quy trình sáng tác theo kiểu này”.

     

    Kết luận đạo nhạc có bất khả thi?

     

    Không hẳn tự nhiên dư luận đặt nghi án với Sơn Tùng, sự bức xúc ấy đã kéo dài suốt thời gian qua khi chàng trai trẻ này không có một sự sòng phẳng cần thiết với những nghi án ảnh hưởng lớn đến danh tiếng và sự nghiệp của mình. "Chắc ai đó sẽ về" chỉ là một giọt nước làm tràn ly khi có quá nhiều sự bức xúc về chàng trai này từ khán giả trẻ, báo chí, truyền thông và giới sáng tác trẻ muốn được làm rõ, hiểu rõ bản chất các sáng tác của Sơn Tùng M-TP.

     

    Như đã đề cập ở trên, khán giả, dư luận cũng có quyền nghi vấn, chất vấn, thậm chí đấu tranh cho quan điểm của mình bằng việc đưa ra những bằng chứng để khẳng định nghi ngờ, nhưng không có quyền kết luận. Mấu chốt vẫn nằm ở thái độ, vì sự việc sẽ trở nên rất đơn giản nếu Sơn Tùng thực sự có ý thức và trách nhiệm hơn về hình ảnh, âm nhạc của mình và đưa ra câu trả lời, vừa bảo vệ mình và là niềm tin cho những người ủng hộ chàng trai trẻ, vì rất nhiều người tin và hy vọng vào tài năng của Sơn Tùng M-TP.

     

    Vấn đề của Sơn Tùng M-TP là một vấn đề nhỏ trong tổng thể nhiều vấn đề lớn của một nền âm nhạc quốc gia. Nhưng bên cạnh thái độ thiếu thiện chí, im lặng của ca sỹ, thì việc đi đến kết luận của một nghi án đạo nhạc dường như đang là bài toán khó, một dấu hỏi lớn, tốn nhiều thời gian mà cả giới chuyên môn và cơ quan chức năng thì vẫn đang loay hoay chưa có lời đáp cuối cùng cho dư luận.

     

    Một sự việc phải chờ đến lúc bị kiện mới chính thức vào cuộc thì e rằng là cách xử lý quá chậm chạp. Sự chậm chạp này đã vẽ nên một nền công nghiệp âm nhạc không những thiếu tính sáng tạo, tính tự vệ mà còn không vững vàng khi mất rất nhiều thòi gian mà vẫn chưa thể kết luận nổi một bài hát có đạo hay không.
     
     
    Theo Docbao.vn