Cử nhân không nghề!

    Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố số liệu gây sốc khi có đến 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; trong đó có 20,75% thanh niên độ tuổi từ 20-24 mới tốt nghiệp ĐH, CĐ.

    Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố số liệu gây sốc khi có đến 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; trong đó có 20,75% thanh niên độ tuổi từ 20-24 mới tốt nghiệp ĐH, CĐ.

     

    Hình minh họa

     

    Vài năm gần đây, hiện tượng nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Chuyện thạc sĩ đi bán cà phê, bán sim điện thoại… kiếm sống không lạ lẫm gì. Thậm chí có thạc sĩ, cử nhân phải đi học trung cấp để tăng cơ hội kiếm việc làm. Nhiều cử nhân, thạc sĩ học xong không kiếm được việc làm bèn đi học lên cao, góp phần làm cho nước ta có đến hơn 24.300 tiến sĩ, cao nhất Đông Nam Á!

    Các chuyên gia lao động cho rằng có nhiều nguyên nhân làm cho số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hàng loạt. Trong đó, cơ bản nhất là dự báo nhu cầu việc làm chưa chính xác, cơ cấu đào tạo xa thực tiễn, học theo phong trào, chất lượng đào tạo kém…

    Câu hỏi mà xã hội bức xúc đặt ra là tại sao những “sản phẩm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) “sản xuất” ra lại không được xã hội sử dụng? Bộ GD-ĐT có nhìn lại hệ thống đào tạo của mình chưa, một hệ thống đào tạo thiếu thực tiễn, hàn lâm nửa vời? GS Hoàng Tụy từng gọi nền giáo dục như vậy là nền giáo dục “hư học”. Nền giáo dục ấy chỉ đào tạo ra những cử nhân không nghề nghiệp, nên rất dễ bị thất nghiệp vì độ vênh giữa đào tạo và thực tiễn quá lớn.

    Hệ thống đào tạo bậc CĐ, ĐH bất cập ở nhiều vấn đề, đặc biệt là hệ thống các trường ngoài công lập. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước có 69 trường ĐH, 21 trường CĐ ngoài công lập (chiếm 22,2% tổng số trường ĐH, CĐ), đang đào tạo trên 314.000 sinh viên (chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước) với 522 ngành đào tạo trình độ CĐ, 582 ngành đào tạo trình độ ĐH. Điểm yếu nhất của hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập là đào tạo lệch với các ngành nghề ít đầu tư như tài chính, kế toán, quản trị doanh nghiệp, kinh tế, các ngành xã hội… để thu lợi nhuận nhanh. Các trường kỹ thuật ngoài công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay lại đầu tư kém, thiếu cơ sở để sinh viên thực tập. Hậu quả là đào tạo thầy nhiều hơn thợ. Các trường, kể cả công lập, đào tạo ồ ạt, tuyển sinh ồ ạt mà không dự báo được nguồn nhân lực.

    Muốn có một nền kinh tế mạnh, trước hết phải có một nền giáo dục khoa học, thực tiễn và chất lượng. Thực tiễn thế giới cho thấy quốc gia nào xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, xây dựng cho được một nền giáo dục tiên tiến thì sẽ thành công về kinh tế. Hàn Quốc, Nhật Bản là ví dụ điển hình và họ chỉ cần khoảng 20 năm để trở thành cường quốc kinh tế.

    Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành quốc gia công nghiệp phát triển nhưng nền giáo dục vẫn lẽo đẽo ở phía sau. Vì vậy, nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc ĐH, CĐ là yêu cầu bức thiết nhất hiện nay chứ không phải vấn đề nào khác. Bởi lẽ, một đất nước không thể phát triển nếu nền giáo dục cứ liên tục sản xuất ra những người trẻ, khỏe nhưng lại không nghề.

     

    Theo nld.com.vn