Điệp khúc tiền trường và người trong cuộc

    Cứ vào đầu năm học, điệp khúc tiền trường, quỹ hội phụ huynh lại nóng lên. Người trong cuộc - phải thu và phải đóng - cũng đầy nỗi niềm trăn trở, day dứt.

    Cứ vào đầu năm học, điệp khúc tiền trường, quỹ hội phụ huynh lại nóng lên. Người trong cuộc - phải thu và phải đóng - cũng đầy nỗi niềm trăn trở, day dứt.

     

    Làm thế nào để tìm tiếng nói chung, hành động đúng cho mục tiêu xã hội hóa các nguồn thu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn?

    Các cháu vui học tập trong ngôi trường khang trang do gia đình Anh hùng LLVT Hoàng 
    Minh Đạo tài trợ. Ảnh: Mai Hải


    Tự nguyện hay ép buộc?

    Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh ở các thành phố, đô thị lớn có tâm trạng sợ đi họp phụ huynh đầu năm học mới. Đã thành thông lệ, ít nhiều cũng phải đóng quỹ hội phụ huynh nên ai nấy đi họp đều phải dằn túi ít nhất vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Chia sẻ với những khó khăn của nhà trường, của ngành giáo dục nước nhà, nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng góp cho những công trình, dự án thiết thực, phục vụ việc học tập và rèn luyện của con em mình tốt hơn.

    Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, do cách làm vội vã mang tính áp đặt của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) hoặc sự “giật dây” của ban giám hiệu nhà trường, khiến phụ huynh cảm thấy mình bị “ép buộc” hơn là tự nguyện.

    Độ bức xúc tăng hơn khi phụ huynh phát hiện số tiền mình bỏ ra, sử dụng không đúng mục đích hoặc thất thoát, thiếu minh bạch. Một phụ huynh có con học ở trường THCS quận trung tâm TPHCM kể lại, năm học trước trường kêu gọi mỗi phụ huynh đóng góp 500.000 đồng để mua máy vi tính, phục vụ mỗi cháu một máy thay vì 2 cháu/máy. Thấy thiết thực, phụ huynh đồng tình đóng góp ngay, nhưng khi vào học, con em của họ về phản ánh “chúng con vẫn phải ngồi 2 đứa một máy và thường xuyên tranh giành, thậm chí cãi nhau...

    Tương tự, phụ huynh ở THCS Colette cũng mới phản ánh và không đồng tình với việc phải đóng ngay đầu năm học các khoản tiền thu thêm trên mỗi đầu học sinh, với tiền sơn lớp học 300.000 đồng, quỹ trường 500.000 đồng, quỹ lớp 500.000 đồng, trang bị máy lạnh, đèn chiếu 300.000 đồng. Tổng cộng các khoản đóng bắt buộc và thu thêm ngoài quy định lên đến 2 triệu đồng/học sinh.

    Một số phụ huynh ở một trường tiểu học ở quận 1 cũng phản ánh năm ngoái nhà trường tổ chức hội thi “sử ca trường học” nhưng thuê đạo diễn chuyên nghiệp tốn 40 triệu đồng và “vận động” phụ huynh tự nguyện ủng hộ 1 triệu đồng/người là không cần thiết. Theo họ đóng góp cho con em có thêm điều kiện hoạt động văn nghệ, phát triển năng khiếu là cần thiết nhưng đừng có mắc bệnh thành tích, phô trương, tốn kém.

    Thực hiện chủ trương đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo mô hình tiên tiến, hiện đại, một số trường trang bị “lớp học 5 sao, phòng học VIP” với trang thiết bị dạy và học hiện đại, máy chiếu, bảng tương tác thông minh… Do một số trường làm nóng vội, chưa có sự đồng thuận cao đã thu tiền, đổ đồng mức đóng như nhau khiến không ít phụ huynh ấm ức và cảm thấy các khoản thu thêm là “giấy báo nợ” khó thoái thác. Đó là chưa kể sự phản ứng của dư luận lẫn phụ huynh khi thí điểm mô hình phòng học VIP trong trường công gây phản cảm, thiếu công bằng đối với học sinh không có điều kiện.



    Không nên cào bằng mức thu



    Khảo sát ở các quận trung tâm ở TPHCM cho thấy, tùy theo mỗi trường, phụ huynh đóng góp khoản tự nguyện cho quỹ hội phụ huynh của lớp và trường dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/học sinh/năm học hoặc cao hơn khoảng trên dưới 1.000.000 đồng/học sinh/năm học. Ở các quận ven và huyện ngoại thành, mức đóng góp tự nguyện cho quỹ hội phụ huynh ít hơn, từ 50.000 đồng đến 100.000 - 200.000 đồng/học sinh và tỷ lệ phụ huynh tham gia không cao. Như vậy, nguồn thu từ chủ trương xã hội hóa của mỗi trường khác nhau và đầu tư cũng khác nhau. Nhiều trường nghèo ở quận, huyện nghèo không nhận được sự ủng hộ cao của phụ huynh cũng ngậm ngùi, so sánh thua thiệt, lực bất tòng tâm.

    Theo hội phụ huynh của các trường, nội dung chi chủ yếu cho các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục của trường như văn thể mỹ, thực hiện các công trình sửa chữa nhỏ, hỗ trợ học sinh khó khăn, thưởng học sinh giỏi, chăm lo giáo viên bị ốm đau, quà dịp lễ tết…

    Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết: “Tuy quận 1 luôn ưu tiên ngân sách cho giáo dục và hàng năm đầu tư số tiền lớn cho các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng nếu không có những khoản đóng góp của ban đại diện CMHS các trường thì quận không thể có nhiều ngôi trường khang trang với môi trường giáo dục tiên tiến như hiện tại”. Điều này lý giải vì sao các trường điểm, trường tốt có môi trường giáo dục tiên tiến luôn thu hút học sinh, phụ huynh và sự tự nguyện đóng góp cũng rất lớn.

     Năm học này, nhiều phụ huynh cảm thấy hài lòng khi con em mình được học ở Trường THCS Trần Văn Ơn với cơ sở vật chất khang trang, môi trường phát triển học sinh toàn diện với hồ bơi, nhiều câu lạc bộ năng khiếu, hoạt động ngoại khóa hấp dẫn. Chị Kim Chi, có hai con học ở trường tâm sự: “Nhờ có sự đóng góp của nhiều thế hệ phụ huynh đi trước và các mạnh thường quân, con em chúng tôi được hưởng thành quả đáng quý này và yên tâm với chất lượng đào tạo, môi trường giáo dục nhân văn của nhà trường”.

    Vậy vấn đề đặt ra ở đây là cách làm và thu quỹ hội phụ huynh như thế nào để tạo sự đồng thuận cao và khi đóng góp mỗi phụ huynh cảm thấy mình tự nguyện thật sự chứ không bị ấm ức vì ép buộc? Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục quận 5, cho biết, để giảm áp lực và nỗi lo cho phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường trên địa bàn quận đã bỏ hẳn việc thu quỹ hội phụ huynh và có cách làm khác để tạo nguồn thu thực hiện các công trình. Theo đó, các trường vận động mạnh thường quân đóng góp vào quỹ khuyến học và chi cho những nội dung cần thiết.

    Bà Thu cũng cho biết, đối với những trường có thu thêm để thực hiện các công trình sửa chữa nhỏ, đầu tư trang thiết bị dạy học thì phải có sự đồng thuận của phụ huynh và đưa ra mức thu tối thiểu thấp nhất chứ không quy định cào bằng để phụ huynh tự nguyện đóng góp theo khả năng có thể. Những trường hợp gia đình khó khăn thì không phải đóng góp thêm bất kỳ khoản nào ngoài quy định.

    Như vậy nếu nguồn lực vận động từ sức dân - phụ huynh hợp lý, minh bạch rõ ràng và mang lại hiệu quả thiết thực, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà thì sẽ nhận được sự đồng thuận và ngược lại.

     

    Theo Vietpress