Đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành Giáo dục

    Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 34 của ngành Giáo dục về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

    Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 34 của ngành Giáo dục về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. 

     

     

     

    Không dùng danh hiệu thi đua để đề xuất khen thưởng

     

    Theo đó, sẽ chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, khen thưởng giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy, người lao động trong các cơ sở giáo dục; các nhà giáo là nữ; nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

     

    Khen thưởng kịp thời nhà giáo có thành tích trong giáo dục đạo đức, bồi dưỡng học sinh, sinh viên đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; giúp đỡ học sinh yếu kém; gương học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, dũng cảm; gương học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện đạo đức;

     

    Thực hiện nghiêm túc việc lấy sáng kiến kinh nghiệm đã được hội đồng sáng kiến nghiệm thu, đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn làm thước đo quan trọng khi xét danh hiệu thi đua và khen thưởng theo quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; không dùng danh hiệu thi đua để đề xuất xem xét khen thưởng đối với cá nhân.

     

    Xây dựng tiêu chí đánh giá tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

     

    Một trong những nội dung đổi mới việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong ngành Giáo dục.

     

    Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cấp ủy, chính quyền các cơ sở giáo dục phải chủ động gắn với cơ sở, với người lao động để phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng gương điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt;

     

    Gắn kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến; có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, tạo sức lan toả trong toàn xã hội và trong toàn Ngành;

     

    Lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết quả thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt là những tiêu chuẩn chủ yếu đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm;

     

    Đổi mới hoạt động của các cơ quan truyền thông của ngành Giáo dục, tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiên tiến, hạn chế đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội. Định kỳ tổ chức các hình thức tôn vinh, gặp mặt các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, mô hình mới.

     

    Bộ GD&ĐT cũng đưa nội dung xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, làm công tác thi đua, khen thưởng từ Bộ tới các cơ sở giáo dục đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng;

     

    Bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục mà người đứng đầu có thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua có ít nhất 1 cá nhân chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng.

     

    Những nội dung đổi mới bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành;

     

    Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Giáo dục;

     

    Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua; đổi mới công tác khen thưởng; đổi mới việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến và đổi mới đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng.

     

    Theo Báo Giáo dục & Thời đại