Thay đổi số năm học: Đề ra rồi... rút lại!

    Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án thay đổi hệ thống giáo dục (5 năm tiểu học, 5 năm THCS, 2 năm THPT) nhưng lại rút phương án này trong ngày 28-8. Nhiều chuyên gia cho rằng khi đưa ra phương án phải tính toán, tránh đưa ra rồi rút

    Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án thay đổi hệ thống giáo dục (5 năm tiểu học, 5 năm THCS, 2 năm THPT) nhưng lại rút phương án này trong ngày 28-8. Nhiều chuyên gia cho rằng khi đưa ra phương án phải tính toán, tránh đưa ra rồi rút

     

    Hội thảo tham vấn các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đề án chương trình- sách giáo khoa (SGK) phổ phông đã được tổ chức vào ngày 28-8 nhằm có căn cứ để ủy ban thẩm tra chính thức đề án trong tháng 9 tới trước khi trình Quốc hội.

     

    Đáng trách!

     

    Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD-ĐT rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS + 3 năm THPT). Theo ông Hiển, trước đó, có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD-ĐT (thêm 1 năm học ở bậc THCS) nhưng qua phiên họp của Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT, Hội đồng Phát triển giáo dục và nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành. Được biết, quan điểm của các thành viên hội đồng là giữ ổn định giáo dục phổ thông 12 năm, tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo và giáo dục hướng nghiệp từ cuối cấp THCS.

     

     
     
    Giáo dục phổ thông cần giữ ổn định. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) trong giờ học tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH
     

    Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT dự định thêm 1 năm học ở bậc THCS là không cần thiết, chưa rõ hiệu quả lại gây tốn kém lớn. Ông Thi phân tích thêm: 1 năm học giáo dục phổ cập là rất tốn kém trong khi đó nếu vì mục đích phân luồng thì học sinh học xong THCS đã hoàn toàn có thể đi học nghề. “Chín năm là quá đủ, không phải thêm 1 năm nữa. Thêm 1 năm ở bậc THCS không giải quyết được vấn đề gì, lại gây mất ổn định hệ thống khi mà các trường THCS, THPT sẽ hoàn toàn thay đổi, không biết bổ sung bằng cách nào, tốn kém tiền bạc” - ông Thi nói.

     

    GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhấn mạnh Bộ GD-ĐT đã rút phương án thay đổi số năm học nhưng qua đó cho thấy cứ đề ra phương án rồi lại rút là phải hết sức rút kinh nghiệm vì trước khi đề xuất ra 1 phương án nào phải tính rất kỹ càng. “Những sáng kiến đó rất bất ngờ, chưa có báo cáo đánh giá tác động nên đề ra rồi rút là hết sức đáng trách” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

     

    Nên xây dựng bộ SGK nòng cốt

     

    Theo dự thảo đề án đổi mới chương trình- SGK giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT đưa ra, sẽ có 2 phương án xây dựng SGK. Phương án 1 là Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là bộ này chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn.

     

    Về vấn đề biên soạn SGK, bà Nguyễn Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng Bộ GD-ĐT nên viết 1 bộ SGK nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sách. Nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng, không phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học. Theo bà Tâm Đan, việc để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK là phương án nhiều rủi ro vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này.

     

    GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng việc xã hội hóa viết SGK sẽ xảy ra vấn đề quốc doanh - dân doanh. Tuy nhiên, ông ủng hộ Bộ GD-ĐT nên có bộ SGK nòng cốt (chỉ làm một số bộ SGK khoa học xã hội như địa lý, lịch sử...), còn các môn khác thì xã hội hóa hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để đỡ tốn kém.

     

    Theo PGS Văn Như Cương, khi đã có chương trình chắc chắn rồi thì viết SGK, lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề ra là có thể hoàn thành được nếu bắt đầu viết ngay từ đầu năm 2015. “Nếu viết theo kiểu cuốn chiếu sẽ rất mất thời gian, để thực hiện hành công thì bộ phải có hướng dẫn kỹ để anh em làm không bị lúng túng” - ông Cương nói.

     

    GS Trần Đình Sử cho rằng cách xây dựng đề án chương trình - SGK lần này không khác gì làm đề án SGK cách đây 10 năm. Theo GS Sử, đợt đổi mới chương trình - SGK hiện hành chưa thành công không phải vì bản thân chương trình - SGK mà do các điều kiện để thực hiện như giáo viên, cơ sở vật chất, đào tạo sư phạm… GS Sử nhấn mạnh: “Vấn đề rất mới của đề án lần này là dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa. Thế nhưng, đội ngũ giáo viên để dạy học tích hợp gần như chưa được chuẩn bị. Nếu không được chuẩn bị thì không thể dạy được” .

     

    Đề cập việc chuẩn bị điều kiện để thực hiện chương trình - SGK mới, GS Đào Trọng Thi thừa nhận thực tế cho thấy chương trình - SGK hiện hành chưa thành công là do điều kiện thực hiện chưa tốt. Vì vậy, lần này để thực hiện thành công, phải chuẩn bị các điều kiện, trong đó đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải đi trước một bước và Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm, phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường sư phạm.

     

    2 phương án cho SGK

     

    Trong 2 ngày 27 và 28-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014. Đáng chú ý, tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT là Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP HCM, Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Chính phủ nhất trí ban hành nghị quyết về đề án này. Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ GD-ĐT phê duyệt.

     

    Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, nhà nước, trong Luật Giáo dục ĐH. Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường ĐH thu được kết quả tốt sẽ làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.

     

    Về dự thảo đề án Đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao bộ tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện đề án, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. “Đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí” - Thủ tướng lưu ý.

     

    Đáng chú ý, theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng SGK. Ý kiến của các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.

     

    Theo nld.com.vn