Viết sách giáo khoa: Đừng làm chiếu lệ!

    Là người đã khá lâu năm làm nghề giáo và cũng đã trải qua tất cả các lần thay sách giáo khoa từ sau 1975 đến nay, tôi cho rằng để thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới, trước hết, chúng ta phải rút ra sự thất bại của sách giáo khoa cũ một cách nghiêm túc.

    Là người đã khá lâu năm làm nghề giáo và cũng đã trải qua tất cả các lần thay sách giáo khoa từ sau 1975 đến nay, tôi cho rằng để thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới, trước hết, chúng ta phải rút ra sự thất bại của sách giáo khoa cũ một cách nghiêm túc.

     

     

    Theo đánh giá của nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy, bộ sách giáo khoa năm 2007 là một sự “cải lùi” chứ không phải “cải tiến” so với bộ sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000. Nhưng không hiểu sao vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) kết luận là thành công?

    Một điều nghịch lý là các lần thay sách đều tổ chức hội thảo lấy ý kiến rất rầm rộ, hết tỉnh đến cụm, hết các trường phổ thông đến các trường ĐH nhưng lại thực hiện sau khi sách giáo khoa đã hoàn thành. Và kết cục mọi việc vẫn như cũ, tốn thời gian, công sức của anh chị em giáo viên để rồi chẳng để làm gì, thậm chí lỗi sai về dùng từ do sự nhầm lẫn vẫn còn nguyên. Theo tôi, nên tổ chức lấy ý kiến về chương trình dự thảo trước, khi có bản thảo sách giáo khoa thì lấy ý kiến thêm một lần nữa thật thấu đáo, sau đó mới in sách. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến phải có thời gian đủ dài chứ không được làm chiếu lệ như những lần trước. Bắt người đọc góp ý trong vài ngày cả trăm tiết làm sao chất lượng?

    Đổi mới sách giáo khoa phải đồng bộ với đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là đổi mới thi cử, cho nên cần có sự thống nhất với bộ phận viết sách và bộ phận ra đề thi. Vụ THPT, Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Bộ GD-ĐT) không nên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, rất khó tìm tiếng nói chung, dẫn đến không hiệu quả. Hãy cho họ - những người trong ban biên soạn chương trình và sách giáo khoa - có đủ thẩm quyền để thực hiện việc đổi mới một cách triệt để.

    Nhuận bút viết sách cho mỗi tiết dạy từ 300.000 - 500.000 đồng là quá thấp. Cần hạn chế tối đa những cuộc họp tốn kém hàng trăm triệu đồng do mua vé máy bay đi lại, chi phí ăn ở sinh hoạt của thầy, cô trong thời gian viết sách. Họp nhiều mà không mang lại hiệu quả thì nên để tiền đó chi cho nhuận bút viết sách một cách xứng đáng.

    Nên tiến hành đồng bộ thay sách một lần từ lớp 1 đến lớp 12 vừa thể hiện cao tinh thần đổi mới và dứt điểm. Đồng thời tránh cho học sinh tâm lý luôn bị đưa làm thử nghiệm.

    Xin chọn đúng người tài, người tâm huyết vào đội ngũ viết sách, đừng theo kiểu đủ mâm đủ bát vào trong ban bệ. Để rồi như những lần trước có những vị đến phút chót vẫn chưa hoàn thành, tổng chủ biên phải chấp bút cứu giúp thì rất đáng buồn. Bên cạnh đó, cần đa dạng và trẻ hóa đội ngũ viết sách - vừa có các giáo sư ở các trường ĐH vừa có giáo viên ở các trường phổ thông. Nên chăng chúng ta có thể phát động một cuộc thi biên soạn chương trình và sách giáo khoa rộng rãi trong đội ngũ tri thức để có thể vừa thu hút được chất xám, sự sáng tạo của đông đảo mọi người và vừa có nhiều bộ sách để sử dụng.

    Nếu quy trình, con người, cơ chế… vẫn như cũ thì không thể nào có chương trình, sách giáo khoa mới để thay đổi nền giáo dục nước nhà.

     

    Theo nld.com.vn