Hệ thống ngân hàng trông chờ vào vài 'ông lớn'

    80% thị phần chỉ rơi vào một vài ngân hàng, có đơn vị một mình nắm gần 15% tổng tài sản ngành.

    80% thị phần chỉ rơi vào một vài ngân hàng, có đơn vị một mình nắm gần 15% tổng tài sản ngành. 

     

    Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 "Thách thức còn ở phía trước" được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố sáng 22/11 ghi nhận nỗ lực tái cơ cấu các ngân hàng thương mại vừa qua. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng vẫn chưa có "những chuyển đổi tích cực về chất" trong cuộc đại tu này.

    Theo đánh giá của nhóm tác giả, việc chỉ chọn tái cấu trúc 9 ngân hàng yếu kém trên tổng số 100 ngân hàng từ nhà nước, cổ phần, chi nhánh nước ngoài đến nhà băng 100% vốn nước ngoài và liên doanh là tương đối nhỏ. Bản báo cáo nêu những vấn đề của hệ thống hiện nay là thiếu bền vững và chưa miễn nhiễm với mọi rủi ro cũng như còn quá chênh lệch về quy mô, khả năng quản trị rủi ro.

    Theo ước tính của nhóm tác giả, đến cuối năm 2011, 12 trong số gần 50 ngân hàng nội địa đã chiếm đến hơn 80% thị phần. Tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, hơn 250.000 tỷ vốn điều lệ nhưng riêng ngân hàng quy mô lớn nhất đã có tổng tài sản lên tới hơn 500.000 tỷ (chiếm 14,3%).

    Trong khi đó, Hàn Quốc hay Thái Lan chỉ có khoảng 20 ngân hàng nội địa hoạt động với quy mô GDP gấp nhiều lần so với Việt Nam.

     

    ngan-hang-2-tl490-6824-1385041187.jpg

     

    Các ngân hàng lớn dễ tiếp cận vốn rẻ trong khi các nhà băng nhỏ lại vô cùng khó khăn. Ảnh: Thanh Lan.
     

    Tại một hội thảo về cải cách thị trường tài chính gần đây, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cũng đề cập lo ngại này. Ông nói, trong khi quy mô các nhà băng còn nhỏ so với khu vực thì thị phần của 4 ngân hàng thương mại lớn đã chiếm trên 50% toàn hệ thống. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn giải pháp để cấu trúc lại thị trường. "Nếu cho ra đời các ngân hàng quy mô lớn tầm cỡ khu vực sẽ làm gia tăng tình trạng thị phần của một nhóm ngân hàng quá lớn, theo đó sẽ làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn hệ thống", ông Ngoại lo ngại.

    Chênh lệch quy mô giữa các ngân hàng trong hệ thống cũng góp phần khiến "nước chảy nhiều về chỗ trũng" khi ông lớn thì dễ dàng tiếp cận vốn rẻ, đơn vị nhỏ luôn loay hoay với nỗi lo "thanh khoản". Báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế nêu, nhiều ngân hàng lớn - chủ yếu của Nhà nước, giữ lượng lớn trái phiếu Chính phủ để tái chiết khấu, nhận lượng tiền gửi lớn từ các khách VIP như Kho bạc Nhà nước, các Tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, các nhà băng này còn làm dịch vụ giải ngân vốn ODA cho Chính phủ v.v…

    Về phần mình, các ngân hàng nhỏ phần lớn lại không thể tiếp cận nguồn vốn rẻ này. Thay vào đó, họ chỉ có thể trông chờ vào huy động tiền gửi tiết kiệm từ người dân cũng như những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, vốn huy động từ thị trường một chủ yếu lại là ngắn hạn, rủi ro về kỳ hạn và vấn đề nợ xấu tăng cao, đặc biệt ở khu vực bất động sản - vay trung và dài hạn. "Điều này khiến các ngân hàng vẫn gặp vấn đề về thanh khoản và một số vì thế vẫn tiếp tục vượt trần huy động", các tác giả lý giải.

    Riêng về xử lý nợ xấu, nhóm tác giả nhìn nhận các biện pháp hiện nay chủ yếu vẫn bằng cách giảm lợi nhuận của ngân hàng thông qua tăng chi phí trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, điều này lại là một rào cản khiến các nhà băng khó có thể giảm nhanh được lãi suất cho vay. "Không loại trừ những khoản vay mới được dùng để trả nợ cũ, hoặc cơ cấu lại nợ v.v... Như vậy, về bản chất, nợ xấu của các doanh nghiệp vẫn chưa thể trả được, các doanh nghiệp theo đó vẫn khó vay được vốn với lãi suất rẻ", bản báo cáo nêu.

    Trao đổi tại một hội thảo gần đây ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - cũng đặt vấn đề xử lý nợ xấu cần nguồn tiền thực thay vì gây áp lực lớn tới lợi nhuận của ngân hàng. "Liệu có phải chính sách của chúng ta về xử lý nợ xấu là các ngân hàng phải có lợi nhuận tương lai để xóa nợ xấu? Sức ép đó khiến họ phải để chênh lệch lãi suất cao và nền kinh tế lại đang phải chấp nhận khoảng cách đó", ông Thành nói.

    Theo vị chuyên gia này, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay vẫn rất cao, khoảng 6% trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định các nhà băng chỉ đang thu lãi 2-3%.

     

    Theo Vnexpress