Giá gas “đục thủng” túi NTD vì độc quyền nhóm?

    Giá gas tăng “sốc” đang là câu chuyện được người tiêu dùng (NTD) quan tâm và lo lắng. Dư luận còn tỏ ra “thất vọng” về công tác quản lý giá tại nước ta, mà đây là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có gas.

    Giá gas tăng “sốc” đang là câu chuyện được người tiêu dùng (NTD) quan tâm và lo lắng. Dư luận còn tỏ ra “thất vọng” về công tác quản lý giá tại nước ta, mà đây là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có gas.

     

    Đồng thời, NTD cũng đang hoài nghi về sự tái trở lại của “độc quyền nhóm” trên thị trường gas hiện nay.



    Giá gas “nhảy” ?

    “Mai anh mua thêm cái bếp than nhé !”, chị Huyền, thuê trọ ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nói với chồng. Anh chồng chị Huyền gắt gỏng: “Nhà thì nhỏ, vác thứ “độc hại” đó về để viêm phổi à. Người ta đang muốn bỏ đi không xong, cô lại xui tôi mua về. Rõ chán đời”. Chị Huyền phân trần: “Giá gas mới tăng lên gần 100.000 đồng/bình kia kìa, ở đấy mà kêu chán đời”.

    Tôi giật mình khi nghe chị Huyền nói vậy, tăng gì mà “dữ thế”. Nghía qua mấy trang mạng thì đúng thật, giá gas đã tăng kể từ ngày 1-12 rồi. Theo đó, các nhà cung cấp đã điều chỉnh giá bán lẻ gas tăng lên 386.000 – 493.000 đồng/ bình 12 Kg, tăng thêm 70.000 – 80.000 đồng/ bình. Kể từ tháng 2-2012 tới nay thì mức giá hiện tại đang là cao nhất.

    Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2013, giá bán lẻ gas liên tục giảm. Sau đó, giá gas mới có dấu hiệu điều chỉnh tăng giảm nhưng ở mức khá ổn định. Chỉ đến tháng 11-2013, mới xuất hiện mức điều chỉnh tăng “đột biến” lên 18.000 đồng/ bình 12kg, tương đương giá bán lẻ gas khoảng 410.000 đồng/ bình 12kg. Vậy mà, chỉ sau 1 tháng, giá gas lại tăng quá “sốc” khiến nhiều NTD cảm thấy hoài nghi.

    Nói về nguyên nhân, phần lớn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas đều cho rằng, mức bán lẻ gas tăng chủ yếu là do bị ảnh hưởng bởi giá thế giới. Theo đó, giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng thêm 267,5 USD/ tấn. Nghe chừng lý do này có vẻ hợp lý? 

    Nhưng nhiều người lại cho rằng lý do mà các DN đưa ra không hoàn toàn hợp lý. Chị Thu Hằng, ở phố Thái Hà, quận Đống Đa cho biết, DN nào chẳng còn tồn hàng của các tháng trước. Mới đầu tháng 12, họ đã nhập hàng về đâu mà kêu “lỗ”. “Nếu tăng thì nên tăng dần dần chứ đùng một cái như vậy thì thực sự NTD như tôi khó có thể chấp nhận được”, chị Hằng bức xúc.

    Đồng quan điểm, anh Nguyễn Quang Vinh, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho rằng, chúng ta đâu phải nhập khẩu gas hoàn toàn từ thế giới, vẫn có sản xuất trong nước mà. Lượng gas sản xuất trong nước chiếm bao nhiêu thị phần? Đây là điều NTD quan tâm nhưng lại chưa ai giải đáp: Liệu có nhất thiết phải cho giá gas “nhảy cao” đến thế  không?

    Trao đổi với PV, ông Hoàng Giang, giảng viên kinh tế một trường ĐH tại Hà Nội nhận định, việc điều chỉnh giá gas lần này có khá nhiều bất thường bởi: Thứ nhất, nó không có lộ trình cụ thể mà “đùng” cái tăng luôn.

    Thứ hai, nếu giá tháng 12 cao, DN hoàn toàn có thể tạm ngừng nhập khẩu. Trong khi đó, lượng hàng tồn từ các tháng trước vẫn còn. Về nguyên lý thì hiện tại các DN chưa hề bị lỗ.

    Thứ ba, trong những năm gần đây, lượng gas sản xuất trong nước có tăng lên. Theo ước tính, chiếm khoảng 50% thị phần gas. Vậy nên thị trường gas trong nước chưa thể bị “chi phối” hoàn toàn từ thị trường gas thế giới. 

    Thực tế, lượng gas dự trữ của các DN còn lại bao nhiêu thì chẳng NTD nào biết được. Họ sản xuất được bao nhiêu, đã vận hành đủ công suất chưa cũng là một dấu chấm hỏi. Một thị trường thiếu công khai và minh bạch như vậy thì NTD làm sao không hoài nghi?
     

     
    Giá gas tăng cao bộc lộ sự yếu kém trong quản lý giá.   


    Độc quyền nhóm “đục thủng” túi NTD 

    Cụm từ “độc quyền nhóm” liên tục được NTD nhắc đến trong những năm gần đây, khi thì dành cho ngành điện, lúc lại chuyển sang ngành xăng dầu, mới đây là thị trường vàng. Và giờ thì dùng cho ngành gas. Thực tế, một số ngành quan trọng đúng là không thể “thả nổi”, bắt buộc phải quản lý và kiểm soát. Nhưng quản lý và kiểm soát thế nào mới là vấn đề chúng ta cần bàn.

    Tại sao Việt Nam có nhiều nhà máy thủy điện vậy mà giá điện vẫn cao? Chúng ta có dầu để khai thác nhưng sao vẫn phải nhập xăng dầu chủ yếu từ nước ngoài? Lượng gas sản xuất trong nước chiếm tới 50% thị phần nhưng sau vẫn bị “biến động” mạnh và nhanh theo giá thế giới? Đó là những câu hỏi mà NTD đang chờ được trả lời.

    Thị trường gas, thì cho là DN kinh doanh phải có lợi nhuận nhưng lợi nhuận như thế nào cũng nên cân nhắc, sao cho hài hòa với NTD, đặc biệt là phải minh bạch và công khai hoạt động cho NTD biết. Chúng ta chưa thấy điều này tại các DN kinh doanh gas hiện nay. 

    Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội thì, lợi ích của DN và NTD phải được “dung hòa” thì DN mới có thể phát triển bền vững được. Trong trường hợp này, thị trường gas vẫn còn là một “ẩn số” bởi vì sự “độc quyền” còn quá lớn. Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý lại không hề can thiệp hay có sự điều chỉnh kịp thời giá mà DN điều chỉnh tăng. Một phần của việc đó là do sự “buông lỏng” trong quản lý, thiếu công khai và minh bạch trong hoạt động kinh doanh của DN. “Chính điều này sẽ tạo ra nhiều “kẽ hở” để một số DN có thể lợi dụng, “bắt tay” cùng “giết” NTD”, ông Tuấn phân tích thêm.



    Cơ quan chức năng “lỏng”

    Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra ngay sau khi giá gas chính thức “lên kệ”. Phần lớn NTD đều cho rằng, có một “bàn tay” vô hình nào đó mới có thể “kéo” giá gas tăng cao đến vậy. Liệu có sự “bắt tay” giữa các DN kinh doanh gas khi đồng loạt tăng giá như vậy?

    Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Đại Cát, cho biết, trong các DN kinh doanh gas hiện nay chắc chắn lượng gas nhập khẩu sẽ không đồng đều, có đơn vị có thể nhập khẩu đến hơn 70% nhưng cũng có đơn vị chỉ nhập khoảng 20% - 30% thôi. Nếu cơ quan quản lý kiểm soát và nắm rõ được điều này thì hoàn toàn có thể can thiệp cũng như chi phối lại thị trường, giảm áp lực tăng giá. 

    Mặt khác, khi các DN cùng tăng giá vào một thời điểm thì đáng lẽ cơ quan chức phải vào cuộc, xem xét việc tăng đó có đúng hay không? Người dân chưa lần nào thấy động thái của các cơ quan chức năng trong những trường hợp tăng giá kiểu này, nhất là trong những ngành mang tính “độc quyền”. Thường thì chỉ khi công luận lên tiếng, lúc ấy cơ quan chức năng mới vào cuộc. Kiểu chạy theo sau như vậy thì  NTD chịu thiệt là đúng rồi (?).

    Thực tế, trong việc tăng giá gas, đáng lẽ về phía Bộ Công Thương, mà ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh cũng như Cục Quản lý giá phải yêu cầu các DN cung cấp những số liệu liên quan đến việc tăng giá lần này, xem việc tăng giá có thực sự hợp lý hay không? Hay nói cách khác là liệu DN có “lừa” NTD để kiếm thêm lợi nhuận trong trường hợp này không?

    Đáng nói, hiện tượng “găm hàng” để chờ thời điểm tăng giá mới “bung ra” lại tiếp tục xảy ra. Thêm nữa, một số DN nắm bắt được thông tin đã tập trung gom hàng từ các tổng đại lý trong vài ngày cuối tháng, chờ thời điểm đầu tháng 12 “đẩy” để kiếm lời. Điều này cho thấy, thông tin về việc tăng giá được dự kiến từ trước nhưng chỉ DN biết chứ NTD lại không hề nắm bắt được lộ trình này. Nó cũng thể hiện vai trò của cơ quan quản lý bị “mờ nhạt”, chưa quản lý và kiểm soát được thị trường gas.

    Có thể thấy, gas cũng là một ngành kinh doanh độc quyền ở nước ta, nhưng những chuyện đã và đang diễn ra xung quanh lĩnh vực quản lý và kinh doanh của ngành này, đặc biệt là việc quản lý giá bán lẻ và các DN kinh doanh trong nước, khiến người dân không thể không suy nghĩ. Liệu những lý do mà các DN gas “đưa ra” có thực sự đúng? Khi mà những thông tin hoạt động kinh doanh gas vẫn chưa thực sự công khai và minh bạch thì nó vẫn luôn là nỗi băn khoăn và sự “hồ nghi” lớn của NTD.

    Thử hỏi ngành gas có nghĩ đến vấn đề này để kịp thời cứu vãn “lòng tin” của nhân dân bằng cách chia sẻ “gánh nặng” về giá cả với họ? Nhất là khi nền kinh tế hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nên chăng, mỗi DN kinh doanh, nhất là trong ngành gas, ngoài việc tính giá bán dựa trên cân đối chi phí đầu vào và lợi nhuận thì cũng phải dựa vào mức thu nhập bình quân của người dân. Có như vậy, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với gas cũng như các mặt hàng khác mới có thể tăng cao, nền kinh tế mới dần phục hồi, ổn định và phát triển.
     

    Đã “độc quyền” là phải quản lý


    Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Anh, thạc sỹ quản trị kinh doanh cho rằng, xã hội càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng của NTD cũng ngày một tăng theo. Gas là một trong những nhiên liệu thiết yếu cho các hoạt động của xã hội hiện đại nên việc tăng giá gas “sốc” sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến NTD, nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay. 
    “Với những ngành mang tính “độc quyền”, Nhà nước cần có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ, tránh tạo “lỗ hổng” để một số DN lợi dụng “bắt tay” nhau, gây thiệt cho NTD”, ông Tuấn Anh phân tích thêm.

     

    Theo Phapluatxahoi.vn