Có hay không lợi ích khi tiêm vaccin ung thư cổ tử cung ở người luống tuổi?

    Trước hết cần nhận thức chính xác nhiễm virut Papilloma ở người (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến ung thư cổ tử cung

    Trước hết cần nhận thức chính xác nhiễm virut Papilloma ở người (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến ung thư cổ tử cung

    Thời gian gần đây báo chí đã đề cập khá nhiều thông tin về vaccin phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC) đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không thống nhất đã làm không ít người không những không thấy được lợi ích của vaccin mang lại cho cộng đồng mà còn cảm thấy hoang mang về cơ sở khoa học của vaccin. Bài viết này đề cập đến cơ sở khoa học vững chắc về những lợi ích của việc tiêm vaccin dự phòng ung thư cổ tử cung đã được công bố trên những tạp chí y học chuyên ngành quốc tế.

    Hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp mắc mới UTCTC và hơn một nửa số phụ nữ mắc bệnh đã tử vong. Ở Việt Nam có hơn 6.000 trường hợp mắc mới hàng năm và tử vong khoảng 2.700 trường hợp.

    Có phải nhiễm bất kỳ týp HPV nào cũng có thể bị ung thư cổ tử cung?

    Trước hết cần nhận thức chính xác nhiễm virut Papilloma ở người (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến UTCTC. Tuy nhiên không phải tất cả các loại HPV đều có thể gây ung thư. Trong số hơn 100 týp HPV đã được định danh, chỉ có 15 týp có khả năng gây ung thư hay còn gọi là tuýp nguy cơ cao (4). Các týp khác được xem là nguy cơ thấp có thể gây các tổn thương lành tính vùng sinh dục. Trong số 15 týp có thể gây ung thư, 2 týp HPV-16 và HPV-18 là nguyên nhân của ít nhất 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Trong những týp HPV gây ung thư còn lại, 2 týp HPV-31 và 45 gây ra thêm ít nhất 10% nữa (2).

    Ai có nguy cơ nhiễm HPV?

    Phụ nữ từ khi bắt đầu quan hệ tình dục là đã có nguy cơ nhiễm HPV và nguy cơ này tồn tại suốt cuộc đời. Kết quả nghiên cứu của Basemen (2005) cho thấy có khoảng 80% phụ nữ đã từng nhiễm HPV một lần trong đời, tỷ lệ mắc cao nhất là ở nhóm tuổi trẻ và giảm dần ở các lứa tuổi cao hơn. Tuy nhiên, hàng năm, tỷ lệ nhiễm mới HPV các týp gây ung thư ở phụ nữ tuổi từ 25-80 chiếm khoảng 5-10% (3), (5), (6). Phần lớn phụ nữ bao gồm cả phụ nữ trung niên vẫn có thể nhiễm mới HPV các týp gây ung thư trong suốt đời sống tình dục của họ, và do đó họ vẫn tiếp tục có nguy cơ mắc các tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn cổ tử cung.

    Số liệu dịch tễ cho thấy có một số lượng đáng kể các ca nhiễm HPV mới xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, điều này có nghĩa là nguy cơ nhiễm mới và tái nhiễm với những týp HPV sinh ung thư tồn tại suốt cuộc đời người phụ nữ [6]. Hơn nữa ở những phụ nữ trung niên, một khi đã nhiễm HPV thì nguy cơ HPV tồn tại dai dẳng cao hơn ở phụ nữ trẻ, do đó phụ nữ lớn tuổi một khi nhiễm HPV thì có nhiều nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung hơn. Điều này cho thấy phụ nữ trên 25 tuổi được chủng ngừa HPV là cần thiết vì những đợt nhiễm mới vẫn tiếp tục xảy ra ở nhóm tuổi này.

    Những phụ nữ đã từng nhiễm HPV thì có nên tiêm phòng?

    Không giống như nhiễm hầu hết các virut khác, khi nhiễm HPV tự nhiên thì cơ thể con người không thể sinh ra được kháng thể đủ để có thể giúp chống lại những lần tái nhiễm về sau. Điều này là do HPV chỉ gây ra miễn dịch tại chỗ và hàm lượng kháng thể được sinh ra là rất thấp. Kháng thể sinh ra do nhiễm tự nhiên này không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho cơ thể chống lại những lần tái nhiễm với cùng một týp HPV hoặc với týp HPV khác có tương đồng hệ gen (Viscidi, 2004). Vì thế việc tiêm vaccin không chỉ có ích đối với những người chưa quan hệ tình dục để bảo vệ ở lần nhiễm đầu tiên, mà còn cần thiết cho những người đã từng nhiễm HPV để ngăn ngừa những lần tái nhiễm HPV sau này có thể gây ung thư cổ tử cung.

    Một điểm đáng lưu ý là trong tổng số các phụ nữ tham gia chương trình khám sàng lọc bằng soi tế bào cổ tử cung để phát hiện tế bào ung thư (Pap smear) trong nghiên cứu của Bosch (1), tỷ lệ nhiễm cùng một lúc cả 2 týp HPV-16 và HPV-18 là dưới 1%. Do đó, hơn 90% phụ nữ vẫn có thể được bảo vệ khỏi một trong những týp HPV có trong vaccin. Với hầu hết phụ nữ chỉ nhiễm một týp thì vaccin sẽ bảo vệ đối với các týp gây ung thư còn lại.

    Vaccin có tác dụng gì đối với phụ nữ trưởng thành?

    Kết quả nghiên cứu về tính sinh miễn dịch của vaccin cervarix – vaccin ngừa ung thư cổ tử cung do HPV-16 và 18 cho thấy 100% phụ nữ đến 55 tuổi có chuyển đổi huyết thanh với cả 2 týp HPV-16 và 18 sau khi tiêm. Mặc dù nồng độ kháng thể tạo ra sau tiêm vaccin tuy không cao bằng phụ nữ trẻ tuổi nhưng vẫn cao ít nhất gấp 8 lần so với kháng thể do nhiễm HPV tự nhiên sinh ra. Hiệu giá kháng thể đạt cao ở nhóm phụ nữ 26 tuổi trở lên, ngang với mức kháng thể mà hiệu quả bảo vệ đã được khẳng định trong các nghiên cứu trước đó ở phụ nữ 10-25 tuổi (6). Điều này có được chủ yếu nhờ vào thành phần chất bổ trợ đặc biệt có trong vaccin. Chất bổ trợ này được cho là có tác dụng kích thích miễn dịch, giúp tạo được kháng thể ở mức cao và bền vững trong nhiều năm.

    Một nghiên cứu dựa trên mô hình toán học của Elbasha EH và cộng sự đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases tháng 1/2007 về tác động của vaccin phòng HPV-16 và 18 đến tỷ suất mắc mới ung thư cổ tử cung cho thấy, nếu chỉ áp dụng chủng ngừa cho trẻ em gái 12 tuổi thì phải mất hơn 30 năm mới giảm được một nửa số ca mắc hiện nay. Khi áp dụng chủng ngừa cho phụ nữ từ 12 đến 26 tuổi thì có thể đạt được mức này trong vòng 20 năm. Và nếu việc chủng ngừa được mở rộng cho lứa tuổi từ 12 đến 55 năm thì tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung sẽ giảm còn 1/3 trong vòng chỉ 10 năm.

    Cũng cần phải khẳng định rằng chủng ngừa là một biện pháp dự phòng cấp 1 hữu hiệu trong việc phòng ngừa nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là nhiễm HPV, nhưng không có nghĩa là chủng ngừa thay thế hoàn toàn biện pháp dự phòng cấp 2, đó là sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng Pap smear. Hiện nay đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, sau khi chủng ngừa vẫn cần tiếp tục khám sàng lọc để bảo đảm được bảo vệ tốt nhất khỏi ung thư cổ tử cung.

    Những phân tích trên cho thấy rõ ràng việc tiêm phòng cho phụ nữ trên 25 tuổi mang lại lợi ích đáng kể và giải quyết phần nào nhu cầu y tế chưa được đáp ứng. Mặc dù việc chủng ngừa HPV có thể được tập trung trước hết vào đối tượng trẻ vị thành niên, nhưng chủng ngừa cũng cần phải được mở rộng cho phụ nữ lớn tuổi hơn, những người có thể chưa phơi nhiễm virut, hoặc đã phơi nhiễm nhưng không tạo được kháng thể bảo vệ.

    Cuối cùng, cần nhìn nhận rằng với tình hình thực tế tại Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung qua các chương trình sàng lọc Pap smear mặc dù đã được triển khai nhiều năm nhưng mức độ bao phủ còn hạn chế, do vậy việc áp dụng chủng ngừa cho phụ nữ ở nhiều lứa tuổi hy vọng sẽ góp phần đáng kể giúp giảm số ca ung thư cổ tử cung và bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

    Tài liệu tham khảo

    Bosch F.X (2008). “Epidemiology and natural history of Human Papillomavirus infections and type – specific implications in cervical neoplasia”. Vaccin 26S, K1-K6.

    Keam S.J. & Harper D.M.; (2008). “Human Papillomavirus type 16 and 18 vaccin, (recombinant, ASO4 adjuvanted, Adsorbed)”. Drug. 68 (3), 359-372.

    Munoz N. (2004). “Against which human papillomavirus types shall we vaccinate and screen? The international perspective”. Int. J. Cancer. 111: 278-285.

    Paavonent J et al.(2007). “Efficacy of a prophylactic adjuvanted bivalent L1 virus – like particle vaccin against infection with human papillomavirus types 16, 18 in young women: an interism analysis of a phase III double blind, randomized controlled trial”. Lancet. 369: 2161-70

    Sellors. J.W et al. (2003).“Incidence, clearance and predictors of human papillomavius infection in women”. Canadian Medical Association (CMA). 168 (4):421-5.

    Skinner S. R et al. (18/2/2008). “Human papillomavirus vaccination for the prevention of cervical neoplasia: it is appropriate to vaccinate women older than 26?”. MJA. Vol.188, number 4, pp.238-242.

     Theo SKDS