Cán cân sức mạnh tại châu Á -Thái Bình Dương đang chuyển dịch

    Theo tạp chí Sentaku (Nhật Bản), những thay đổi mạnh mẽ có thể sẽ xảy ra trên bản đồ địa chính trị của khu vực Thái Bình Dương.

    Theo tạp chí Sentaku (Nhật Bản), những thay đổi mạnh mẽ có thể sẽ xảy ra trên bản đồ địa chính trị của khu vực Thái Bình Dương.

     

    Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9-2013 đã khẳng định trong một tuyên bố liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria rằng Mỹ sẽ không trở thành “sen đầm” của thế giới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng khu vực châu Á–Thái Bình Dương hiện đang có hai “sen đầm” – đó là Mỹ và Trung Quốc. 



    Mỹ mờ nhạt, Trung Quốc nổi lên

    Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có quan hệ đan xen ở nhiều cấp độ và loại hình quan hệ khác nhau với cả Mỹ và Trung Quốc. Những nước này có mối quan hệ mật thiết với Mỹ về các vấn đề liên quan đến an ninh và với Trung Quốc trên phương diện kinh tế. Hơn nữa, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Indonesia đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay nếu vai trò lãnh đạo của Washington giảm sút? 

    Dễ nhận thấy hơn cả là sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali, Indonesia, ngày 7 - 8-10 và tại cuộc gặp cấp cao ASEAN ở Brunei ngày 9 - 10-10. Trái lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường lại tích cực tham dự. Liệu có phải ông Obama – phải bận tâm với những vấn đề trong nước – đã không có thời gian và sự minh mẫn để đối mặt với Trung Quốc khi hợp tác với Nhật Bản? Những nước nào sẽ lấp đầy khoảng trống quyền lực một khi ảnh hưởng của Mỹ tiếp tục suy giảm? Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liệu có đủ tỉnh táo để nhận thức được trách nhiệm lịch sử rằng Nhật Bản đang dần thế chân Mỹ ở khu vực này? 

    Những lời nói và việc làm của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường tại hội nghị cấp cao APEC và ASEAN đã bộc lộ rõ những toan tính. Rõ ràng, Bắc Kinh đang khá sốt ruột khi muốn kéo ASEAN vào tầm ảnh hưởng của nước này. Để thực hiện, Trung Quốc đã tài trợ cho một hội nghị đặc biệt ở Bắc Kinh hồi tháng 8-2013, với sự tham dự của các ngoại trưởng ASEAN, đăng cai triển lãm Trung Quốc - ASEAN ở Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, hồi tháng 9-2013 và tổ chức vòng đối thoại chính thức đầu tiên với 10 nước Đông Nam Á ở tỉnh Giang Tô về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). 

    Trung Quốc đang nỗ lực cô lập Philippines trong ASEAN vì các tranh chấp lãnh thổ. Manila đã đề nghị Toà án quốc tế về Luật biển phân xử tranh chấp của nước này với Bắc Kinh liên quan đến bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Nước này cũng đang đẩy mạnh hiệp đồng quân sự với Mỹ theo đó quân đội Mỹ sẽ triển khai ở Philippines. Bắc Kinh bày tỏ bất bình về động thái này. 

    Việc kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough đang đạt được những bước tiến vững chắc sau khi Bắc Kinh thiết lập quyền kiểm soát hiệu quả đối với bãi đá Mischief mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa hồi năm 1995 sau khi Hải quân Mỹ rút khỏi Vịnh Subic trên đảo Luzon hồi năm 1992. 

    Vào tháng 7-2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói thẳng với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế có liên quan trực tiếp đến các lợi ích quốc gia của Mỹ và những nước có quan hệ mật thiết với Mỹ trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn động thái “thừa nước đục thả câu” trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua các cuộc đàm phán song phương cũng như áp dụng phương pháp tiếp cận “chia để trị” đối với các nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei. Liệu Chính quyền Obama có đủ can đảm đi theo lập trường kiên quyết đối đầu với Trung Quốc?
     

     
    Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương


    Nhật Bản làm thay vai trò của Mỹ

    Sự vắng mặt của ông Obama tại hội nghị cấp cao Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Bali hồi tháng 10-2013 về vấn đề tự do thương mại vô hình trung đã củng cố thêm vị thế của Trung Quốc. 

    Tờ New York Times số ra ngày 4-10 cho biết việc ông Obama không tham dự hội nghị lần này đã tiếp tục hủy hoại chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ, khiến các nước châu Á – đang chứng kiến sự rối loạn tại Hạ viện Mỹ đối với chính sách an sinh xã hội của chính quyền – cảm thấy hoang mang trước cách thức vận hành của nền dân chủ Mỹ và làm dấy lên những hoài nghi về khả năng và tinh thần sẵn sàng của Mỹ đối đầu với Trung Quốc trong những tình huống khẩn cấp. 

    Chính Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thay Mỹ tạo thế cân bằng với Trung Quốc trong bối cảnh Washington gần như đánh mất sự hiện diện của mình. Ngày 7-10, ông đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và 2 ngày sau, ông đã hội kiến Tổng thống Philippines Bengino Aquino ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. 

    Ông đã nói với các nhà lãnh đạo hai nước rằng, ông thấy quan ngại sâu sắc về động thái hòng thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng vũ lực mà lẽ ra cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

    Tư tưởng căn bản của ông Abe về vấn đề này được tóm lược trong tuyên bố mà ông đưa ra tại cuộc họp báo sau hàng loạt các cuộc hội đàm cấp cao rằng: “Các nguyên tắc cơ bản liên quan đến vấn đề hàng hải như luật quốc tế cần được tôn trọng và luật pháp – thay vì vũ lực – cần giữ vai trò thống trị. Tôi quan tâm sâu sắc đến các cuộc tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc thành lập COC. Tôi hy vọng COC sẽ sớm ra đời, theo đó sẽ tạo ra sức mạnh pháp lý mang tính ràng buộc và đạt hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp”. Dường như cuộc đối đầu lịch sử giữa bà Clinton và ông Dương Khiết trì hồi năm 2010 đã lặp lại với ông Abe và ông Tập Cận Bình.
     

     
    Thủ tướng Shinzo Abe đang ngày càng thể hiện vai trò nổi bật trong khu vực.


    Sự xuất hiện của Australia

    Một nhân tố khác có thể tác động đến thế cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là vai trò đang lên của Thủ tướng Australia Tony Abbott. Là một người ủng hộ nhiệt thành cho quan hệ đồng minh giữa Australia và Mỹ, ông Abbott đã bổ nhiệm một trong hai cố vấn chính sách đối ngoại là người am hiểu về Nhật Bản, ông Andrew Shearer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách quốc tế Lowy – Viện cố vấn chiến lược lớn nhất của Australia. Ông Shearer từng làm việc dưới thời cựu Thủ tướng John Howard ở vị trí tương tự khi ông Howard và ông Abe ký kết một tuyên bố chung về hợp tác an ninh hồi tháng 3-2007. 

    Ông Abe và ông Abbott đã gặp nhau tại Bandar Seri Begawan hôm 9-10 và khẳng định sẽ tăng cường quan hệ an ninh giữa hai nước. Ngày 15-10, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói với các phóng viên ở Tokyo sau cuộc gặp của bà với ông Abe rằng bà ủng hộ việc Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể. 

    Liệu Trung Quốc có tiếp tục tăng cường ảnh hưởng của mình? Nhật Bản sẽ dựa vào chính mình hay liên kết với Australia nhằm “chống lưng” cho Mỹ? Quan điểm hướng nội của công chúng Mỹ sẽ chuyển sang hướng ngoại và liệu các thể chế tài chính Mỹ có mạnh lên hay không và phải chăng một nhà lãnh đạo Mỹ cứng rắn sẽ xuất hiện? Nhiều khả năng sẽ có những đợt sóng mới xô vào Thái Bình Dương trong tương lai.

    Những thay đổi trong cán cân sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ gợi người ta nhớ đến 43 năm trước, năm 1970, khi nhà bình luận người Mỹ Richard Halloran đã đưa ra một tiên đoán táo bạo vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt rằng Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi khu vực châu Á và khoảng trống mà Washington để lại sẽ được lấp đầy bởi “Tổ chức Hiệp ước Thái Bình Dương (PATO)” mà ở đó Nhật Bản sẽ giữ vai trò lãnh đạo. 

     

    Theo Phapluatxahoi