Mỹ, Trung “nắn gân” nhau về vấn đề Biển Đông

    Mặc dù nhất trí với nhau về việc sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ quân sự song phương, Mỹ và Trung Quốc vẫn tìm cách “nắn gân” nhau trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như chiến lược hướng vào Châu Á của Washington.

    Mặc dù nhất trí với nhau về việc sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ quân sự song phương, Mỹ và Trung Quốc vẫn tìm cách “nắn gân” nhau trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như chiến lược hướng vào Châu Á của Washington.

     

     

     

    Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung Quốc (bên trái) và Mỹ.

     

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Trung Quốc Chang Wanquan vừa có cuộc gặp gỡ ở Lầu Năm Góc, thủ đô Washington ngày hôm qua (19/8). Đây là bước đi thể hiện nỗ lực của cả Washington và Bắc Kinh trong việc tìm kiếm những cách thức có tính xây dựng để giải quyết một loạt vấn đề gai góc giữa hai nước đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. 

     

    Hai nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Trung, Mỹ đã cam kết sẽ tăng cường sự hợp tác giữa quân đội hai nước thông qua một loạt kế hoạch như đưa các sĩ quan cấp cao của Mỹ đến thăm Trung Quốc, tiến hành các cuộc tập trận chống cướp biển gần Somali và tập trận cứu trợ nhân đạo gần Hawaii.

     

    Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cho hay, Tướng Chang muốn thiết lập một “mối quan hệ quân sự song phương thực chất và bền vững” để từ đó củng cố quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước thông qua quan hệ hợp tác”, ông Hagel cho giới phóng viên biết.

     

    Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang cũng nhấn mạnh đến trọng tâm hợp tác trong quan hệ quân sự với Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

     

    Tuy nhiên, sau những cam kết mạnh mẽ về việc phát triển mối quan hệ hợp tác quân sự song phương, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ, Trung bắt đầu “nắn gân” nhau trong một loạt vấn đề mà hai nước có mâu thuẫn với nhau.

     

    Tướng Chang đã bày tỏ sự quan ngại về chính sách của Mỹ trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như làm sống lại mạnh mẽ một loạt mối quan hệ liên minh với các nước ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

     

    "Trong một chừng mực nào đó, những kiểu tăng cường hoạt động quân sự như vậy chỉ làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực. Chúng tôi hy vọng rằng, chiến lược đó không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra lời phát biểu đầy hàm ý nhắn nhủ như vậy với người đồng cấp Mỹ.

     

    Dù thể hiện một lập trường, thái độ lạc quan trong hầu hết cuộc hội đàm nhưng khi đề cập đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Tướng Chang đã ngay lập tức lên giọng cứng rắn. Ông này tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi.

     

    “Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, những cuộc tranh chấp có liên quan đến chúng tôi cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, đừng ai ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ bán rẻ lợi ích cốt lõi của đất nước. Mọi người cũng không nên đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của chúng tôi trong việc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền và các quyền hàng hải”, ông Chang cho biết.

     

    Đáp lại, Bộ trưởng Hagel cũng không vừa khi nhắc nhở Trung Quốc không được chơi trò dọa nạt, ép buộc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

     

    Ông Hagel nhắc lại lập trường của Mỹ đối với các cuộc tranh chấp ở Châu Á, nói rằng Washington giữ lập trường trung lập trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền nhưng nhấn mạnh những mâu thuẫn cần phải được giải quyết một cách hòa bình, không dù đến vũ lực cũng như sự ép buộc.

     

    Trung Quốc đang đòi chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến nhiều nước láng giềng bất bình. Các nước cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược chiếm dần các quần đảo tranh chấp.

     

    Ngoài Biển Đông, Trung Quốc còn có cuộc đối đầu gay gắt và quyết liệt với Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

     

    Trong các cuộc tranh chấp trên, Philippines và Nhật Bản – hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực, đang tìm cách dựa vào cường quốc quân sự số 1 thế giới để làm thế đối trọng với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn và quyết liệt.

     

    Tuy nhiên, các nước như Philippines và Nhật Bản có thể phải thất vọng vì Mỹ được cho là sẽ không hy sinh các lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ các đồng minh của họ trong khu vực. 

     

    Theo VnMedia