Arsenal khủng hoảng: Đến lúc ra đi rồi, Wenger

    Arsenal đang phải trải qua một quãng thời gian hết sức khó khăn. Bại trận ngay trên sân nhà trong ngày khai mạc Premier League, các CĐV cũng bắt đầu quay ra chỉ trích CLB và ngay cả một tấm vé tham dự vòng đấu bảng Champions League họ cũng chưa cầm được trong tay.

    Arsenal đang phải trải qua một quãng thời gian hết sức khó khăn. Bại trận ngay trên sân nhà trong ngày khai mạc Premier League, các CĐV cũng bắt đầu quay ra chỉ trích CLB và ngay cả một tấm vé tham dự vòng đấu bảng Champions League họ cũng chưa cầm được trong tay.

     

    Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của Arsenal không hẳn chỉ nằm ở khâu chuyển nhượng: M.U đã mua được ngôi sao nào đâu, vì sao họ vẫn chơi tốt? Lý do chính yếu, nói thẳng ra, nằm ở trình độ huấn luyện của Arsene.


    Hai phương pháp

    Với 3 chức VĐQG và 4 Cúp FA, không thể phủ nhận rằng chiến lược gia người Pháp là một trong những vị HLV vĩ đại nhất trong lịch sử Premier League, nhưng nên nhớ rằng danh hiệu gần nhất mà ông giành được đã cách đây 9 năm và phương pháp làm việc của Wenger có vẻ như không còn phù hợp với bóng đá hiện đại.

    Wenger từng nói rằng ông không thích đưa ra những chỉ dẫn quá chi tiết cho từng cầu thủ, thay vào đó “Giáo sư” muốn rèn luyện kỹ năng phản xạ cho học trò và để họ…. tự quyết định xem mình nên làm gì trong những tình huống khác nhau.

    Chính vì thế nên Wenger rất ít khi tổ chức các bài tập chiến thuật cụ thể, mà ông thường cho các học trò đá những trận đấu tập 5 người. “Đá những trận 5 đấu 5 sẽ buộc các cầu thủ phải động não không ngừng.

    Mỗi khi nhận bóng, họ có hàng chục phương án xử lý và bộ não của họ phải hoạt động y như một chiếc máy tính, phải phân tích từng khả năng có thể xảy ra trước khi ra quyết định”. Trong khi đó, phần lớn những HLV danh tiếng khác trong làng bóng đá đương đại, bao gồm cả Jose Mourinho và Pep Guardiola đều tin vào điều ngược lại.

    Guardiola thường xuyên cắt ngang các buổi tập để hướng dẫn cầu thủ, và Mourinho thậm chí còn đi sâu hơn. HLV người BĐN từng phát biểu rằng “điều dối trá lớn nhất trong bóng đá là các cầu thủ cần thời gian để hòa nhập”.

    Trong mắt Mou, những học trò chẳng khác gì các chi tiết nhỏ trong một cỗ máy lớn mang tên Chelsea (hoặc Porto, Real, Inter) và ông không cần họ suy nghĩ nhiều.

    Thay vào đó, Mourinho tìm cách phác họa một cách cụ thể nhất những tình huống có thể xảy ra trên sân bóng: sử dụng giáo trình của giáo sư Vitor Frade (ĐH Thể thao Porto), ông chia trận đấu ra làm 4 loại kịch bản là “tổ chức phòng ngự”, “tổ chức tấn công”, “chuyển tiếp từ phòng ngự sang tấn công” và “chuyển tiếp từ tấn công sang phòng thủ”, rồi đưa sẵn cho học trò một đáp án tối ưu và khi ra sân họ chỉ cần làm theo y hệt.



    Ông giáo hết thời

    Tóm lại, nếu như Mourinho dạy học trò theo kiểu “luyện thi”, tức là yêu cầu họ học lòng bài giải một cách kỹ lưỡng nhất có thể và chỉ việc “trả bài” trên sân bóng, thì Wenger lại tổ chức một lớp “bồi dưỡng học sinh giỏi”: các cầu thủ dưới tay ông được phép tự do sáng tạo và chủ động tìm ra lời giải tối ưu cho từng tình huống cụ thể.

    Khó có thể nói rằng trường phái của Wenger hay Mourinho là ưu việt hơn, nhưng chắc chắn là mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng.

    Cách huấn luyện của Mou có thể khiến các cầu thủ cảm thấy rất mệt mỏi về mặt tinh thần (đó cũng là lý do khiến ông không thể trụ lại lâu ở một CLB), nhưng bù lại nó có thể mang đến thành công gần như ngay lập tức, với bất kỳ đội bóng nào.

    Trong khi đó, Wenger giúp các học trò cảm thấy thoải mái hơn, tuy nhiên phương pháp của ông đòi hỏi CLB phải sở hữu những cầu thủ cực kỳ thông minh, những người đủ khả năng để tự ra quyết định mà không cần đến hướng dẫn từ HLV.

    Trong thời gian đầu dẫn dắt Arsenal, ông đã có được may mắn ấy khi chiêu mộ được những Henry, Pires, Bergkamp, Ljungberg… nhưng rõ ràng không phải lúc nào Wenger cũng có diễm phúc được làm thầy của toàn những học trò có chỉ số IQ cao.

    Hệ quả là có những cầu thủ (như Theo Walcott hay Gervinho) luôn luôn tỏ ra mất phương hướng và không biết rằng mình phải làm gì trong pha bóng tiếp theo, dù đã trải qua nhiều năm ở sân Emirates.

    Nhưng họ không phải là những trường hợp cá biệt: có lẽ chính Wenger cũng không biết mình phải làm gì nữa rồi, và khi phương pháp huấn luyện đã trở nên lạc hậu thì tốt nhất là ông nên rời bỏ vị trí HLV trưởng càng sớm càng tốt, để làm một GĐTT chuyên trách (ở PSG?) chẳng hạn.

    - Bí kíp chuyển nhượng của Wenger trong giai đoạn đầu làm việc ở Arsenal là vận dụng các mô hình thống kê: ông đề nghị các chuyên gia săn lùng tài năng tìm kiếm những mục tiêu triển vọng dựa vào 3 tiêu chí là tốc độ, sức mạnh và khả năng xử lý tình huống.

    Tuy nhiên có một vài chỉ tiêu mà Wenger quên mất, hoặc không thể đo đếm, là bản lĩnh thi đấu và khát khao chiến thắng. Hồi còn trẻ, có lẽ ông còn đủ nhiệt huyết để gieo vào đầu các học trò những điều đó, nhưng khi đã có tuổi (và no nê danh hiệu) thì Wenger không thể làm tốt công tác tâm lý.

    Cesc Fabregas từng tiết lộ: “Ở Arsenal, chúng tôi thường xuyên nảy sinh cảm giác là nếu thắng thì tốt, còn không thắng thì cũng không sao, vì chúng tôi đều còn rất trẻ… và mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”.

     

    Theo NguoiDuaTin