15h00 ngày 29/9, ĐT nữ Việt Nam vs ĐT nữ Nhật Bản: Thoải mái, tự tin xung trận

    Với đẳng cấp, chuyên môn quá vượt trội so với ĐT nữ Việt Nam, cơ hội chiến thắng được đánh giá nghiêng rõ rệt về phía ĐT nữ Nhật Bản. Nhưng dù chỉ là “khe cửa hẹp”, thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn nắm chặt tay nhau để “lách” qua với tinh thần thoải mái và quyết tâm cao nhất.

    Với đẳng cấp, chuyên môn quá vượt trội so với ĐT nữ Việt Nam, cơ hội chiến thắng được đánh giá nghiêng rõ rệt về phía ĐT nữ Nhật Bản. Nhưng dù chỉ là “khe cửa hẹp”, thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn nắm chặt tay nhau để “lách” qua với tinh thần thoải mái và quyết tâm cao nhất.

     

     

     

    ĐT nữ Việt Nam (bên trái) quyết chơi một trận để đời trước ĐKVĐ thế giới Nhật Bản

     
    ĐỐI THỦ LÀ NHÀ ĐKVĐ THẾ GIỚI...
     

    Chỉ nghe danh tiếng của ĐT nữ Nhật Bản, các đối thủ phải khiếp vía. Trong vòng 4 năm qua, đội bóng này đã khuynh đảo làng túc cầu nữ thế giới. Họ hết đoạt chức vô địch Asiad (năm 2010), vô địch World Cup (2011) rồi lại vô địch châu Á (2014). Nên nhớ, họ đang là “đương kim vô địch” của tất cả các giải, chứ không phải là “cựu vô địch”.
     

    Sức mạnh của một đội bóng đang ngự trên đỉnh cao của mọi giải đấu quốc tế tiếp tục được khẳng định trong những trận vừa qua tại Asiad 17. Đoàn quân của HLV Norio Sasaki đang bất bại sau 4 trận, ghi được 24 bàn và đặc biệt là chưa bị thủng lưới. Những con số thống kê ấy cho thấy khả năng công thủ toàn diện của ĐT nữ Nhật Bản.

     

    Khả năng điều phối bóng rất hiệu quả của tuyến giữa là chìa khóa giúp cho Nhật Bản chơi bùng nổ khi hãm thành đối phương và chắc chắn lúc phòng thủ. Trong đó, tiền vệ cánh Nahomi Kawasumi có tốc độ và khả năng bứt phá rất mạnh mẽ. Chính Kawasumi là tác giả của 2 bàn thắng vào lưới ĐT nữ Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Aya Miyama là nhà tổ chức, người giữ nhịp rất chắc chắn ở khu vực giữa sân. Không những là “chân chuyền” lý tưởng, tiền vệ trung tâm Mizuho Sakaguchi còn là chân sút cừ khôi (sau 4 trận, Sakaguchi đã 4 lần lập công).

     

     


     

     

    ... NHƯNG ĐÈO CAO THÌ MẶC ĐÈO CAO
     

    Phải thành thật mà thừa nhận với nhau rằng, ĐT nữ Việt Nam dưới cơ so với ĐT nữ Nhật Bản trong cuộc so giày này. Các cuộc đối đầu trong quá khứ, ĐT nữ Việt Nam chưa một lần xuyên thủng được mành lưới đối phương, chứ đừng nói đến chuyện kiếm điểm!
     

    Tất nhiên, nói thế không có nghĩa các học trò của HLV Mai Đức Chung sẽ buông xuôi. Hơn nữa, bóng đá không đơn thuần là những con số thống kê khô khan hay mạnh được yếu thua. Bất ngờ chính là yếu tố tạo nên sức hút của môn thể thao vua này. Đó được coi là sợi chỉ đỏ, hun đúc ý chí để ĐT nữ Việt Nam ra sân với “quyền được hy vọng!”. 

     

    Ở thế của đội bóng bị đánh giá thấp hơn, đoàn quân của  HLV Mai Đức Chung sẽ chọn lối chơi phòng ngự số đông để bảo toàn mành lưới trước khi tính đến chuyện phản công. Vị thuyền trưởng của ĐT nữ Việt Nam còn tiết lộ thêm rằng, ông sẽ dựng một “hàng rào thép” trong phạm vi 30m tính từ cầu môn của đội nhà. Lối chơi ấy đã được sử dụng trước ĐT nữ Thái Lan và đã thành công ngoại trừ một tình huống hàng thủ đội nhà dâng lên quá cao để rồi bị thủng lưới.

     

    Thuận lợi cho đoàn quân của ông Mai Đức Chung trước trận bán kết là tinh thần rất thoải mái khi không bị áp lực chiến thắng đè nặng. Chính lợi thế ấy đã góp phần giúp ĐT nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan ở tứ kết khi mà đối phương tưởng chừng như đã bỏ được chiếc vé bán kết vào túi. Hy vọng, với một chiến thuật hợp lý cùng với tinh thần chiến đấu rực lửa, ĐT nữ Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến cảm giác ngất ngây cho NHM bóng đá nước nhà. 

     

     

     

     

     

    LỊCH THI ĐẤU BÁN KẾT

    Ngày 29/9

    15h00: Việt Nam - Nhật Bản

    18h00: CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc

     


    * Nếu hòa trong 90 phút, 2 đội sẽ đá 2 hiệp phụ, nếu lại hòa, 2 đội sẽ đá luân lưu 11m.
     
     
    Theo Docbao.vn