Những phận nghèo cơ cực trong giá lạnh

    Những ngày cuối năm, trong giá buốt 9-10 độ C, những phận nghèo vẫn phong phanh manh áo mỏng, gồng mình bòn kiếm từng đồng bạc lẻ.

    Những ngày cuối năm, trong giá buốt 9-10 độ C, những phận nghèo vẫn phong phanh manh áo mỏng, gồng mình bòn kiếm từng đồng bạc lẻ.

     

    Ngày nào chị Hoa cũng đạp xe từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) vào nội thành Hà Nội bán ổi dạo kiếm tiền Tết cho gia đình. Ảnh: H.P

     

     
    Ngủ vỉa hè lạnh thấu xương
     

    Buổi tối, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C nhưng một nhóm đàn ông đã dựng cho mình một túp lều tạm ngay trên vỉa hè đường Phạm Hùng, đoạn gần Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Những người này đến từ Phố Nối - Hưng Yên. Bên trong túp lều tạm ấy là nồi niêu, bát đũa, chiếc đệm mỏng và chăn. Căn lều dựng cạnh trạm chờ xe bus, trên bãi đất trống hơ hoác chỉ khoảng chừng 10m2 sát mặt đường, xe cộ qua lại ồn ào, hàng ngày thu hút bao nhiêu ánh nhìn. Anh Hùng, 43 tuổi cho biết, mình lên Hà Nội đã được hơn 2 tuần. “Cuối năm, ở nhà hết việc, lên đây làm việc vặt”, anh Hùng cho biết. Một số người đến đây sớm hơn nhóm của anh Hùng đã “tranh” được lối lên hầm đi bộ làm nơi ngủ nghỉ. Tuy nhiên đó cũng chỉ là túp lều lụp xụp.

     

    Gần như cả năm họ làm nông ở quê, chỉ lên Hà Nội vào những tháng cuối năm kiếm tiền. Chính vì “thời vụ” nên đa số không thuê phòng trọ để tiết kiệm chi phí. “Hôm nay, tuy rét nhưng trời khô còn đỡ. Hôm trước vừa mưa, vừa rét đêm nằm lạnh thấu xương cũng chỉ có mảnh chăn mỏng, phủ kín đầu thì hở chân, kín chân thì hở đầu. Mưa gió chẳng ai thuê việc gì, đến bữa trưa anh em cũng chỉ qua loa gói mỳ, loay quay lại trùm chăn chờ trời tạnh”, anh Hùng kể.

     

    Trời rét, màn trời chiếu đất, áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm, ăn không đủ no… vậy mà vì cái Tết của gia đình mà họ phải xa nhà nơi ít ra cũng có mái nhà ra vào, có chăn đủ ấm, có cơm ăn chứ không phải bát mì tôm qua loa. Chị Hoa (31 tuổi, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sáng nào cũng đạp xe hàng chục cây số đưa hai thúng ổi vào nội thành Hà Nội bán dạo. Tết sắp đến, chị theo mọi người vào nội thành bán với hy vọng thu nhập khá hơn. “3 năm nay rồi, cứ gần Tết là tôi lại ra đây bán dạo kiếm thêm tiền mua đồ cho con”, chị Hoa nói.

     

    Chị Hoa bật mí, thường thì ở quê, hai thúng ổi của chị mỗi ngày cũng lời khoảng 50.000 đồng nhưng chịu khó bán dạo ở nội thành Hà Nội thì lời gấp 5 - 6 lần. Sáng bước chân ra khỏi nhà, trưa ăn tạm bợ trên đường, hôm nào hết hàng sớm thì cũng phải tối mịt chị mới về, có hôm khuya mới về đến nhà. Tuy không phải qua đêm trên vỉa hè như những người xa quê khác, nhưng những chuyến xe đạp hàng rong như chị Hoa cũng rất nhọc nhằn. Mấy hôm nay, thời tiết chỉ trên dưới 10 độ C, nhưng chị vẫn hàng ngày lang thang mọi ngõ ngách Hà Nội để mong kiếm thêm thu nhập.

     

    Lặng thầm mưu sinh

    Càng ngày càng có nhiều người ở tỉnh lẻ đổ xô về Hà Nội kiếm sống. Họ sống với đủ thứ nghề nhưng phổ biến nhất vẫn là bán hàng rong sống lang bạt, nay phía Đông thành phố, mai lại phía Tây.

     

    Phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa, Hà Nội) tồn tại cả khu trọ lụp xụp nhếch nhác hàng chục năm nay. Khu trọ này được ngăn ra làm hai tầng, các tầng lại được chia thành ra nhiều phòng. Mỗi phòng kê một chiếc giường rộng choán gần hết cả diện tích phòng. Trên mỗi chiếc giường ấy nằm tối đa được 7 người và những người lao động nghèo phải bỏ ra 12.000 đồng/đêm để đổi lại chỗ ngả lưng qua đêm. “Tôi ra đây theo người thân. Sáng ra được nhận một khay với đủ thứ từ móc chìa khóa, ví, khẩu trang… đi bán dạo tối mịt mới về”, bác Tình (56 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết.

     

    Ở khu trọ này, hầu hết là người đến từ Thanh Hóa. Càng Tết số người góp mặt càng đông. Theo như bác Tình cho biết, những người bán hàng rong ở đây được một “chị chủ” dẫn dắt. Những người như bác Tình không phải bỏ vốn, chỉ bỏ công bán dạo. Mỗi ngày họ chung nhau thổi bữa cơm chiều, buổi trưa mọi người tự túc, mỗi đêm 12.000 đồng tiền giường. “Không biết “chị chủ” làm việc với chủ nhà thuê trọ hết bao nhiêu, chúng tôi cứ bị trừ mỗi tối từng ấy tiền vào tiền công. Cánh đàn ông nhiều người ngủ ngoài vỉa hè để tiết kiệm. Nếu tôi là đàn ông thì cũng ra đường, chứ như thế này mỗi tháng mất 360.000 đồng. Xót lắm”, bác Tình nói nửa đùa nửa thật. Thường những ngày đông giá lạnh như thế này họ mới về lán trọ để ngủ, còn những ngày nắng ấm, nhất là cánh đàn ông con trai, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

     

    Những bước chân của họ dường như cũng kéo dài hơn giữa phố xá đông người, bởi vì trong họ có thêm một nỗi lo toan: Năm hết Tết cũng gần, phải kiếm thêm đồng bạc lẻ còn lo cái Tết cho cả nhà ở quê. Hậu - cô gái xứ Thanh  chuyên bán hàng rong bảo: “Đi cả ngày anh ạ. Cứ bước đi trên phố như thế, hết quán nước này lại đến quán nước khác, hết đám đông này đến đám đông khác. Lúc nào ăn cơm, đi ngủ chân mới dừng bước”.

     

    Giữa trưa gặp anh Hồ Hải Long (quê ở Phủ Lý, Hà Nam) ngồi tựa gốc cây ở cổng trường ĐH Thủy lợi đếm những tờ tiền 1.000, 2.000 đồng cũ mèm, bị vo tròn trong túi mới thấy nỗi vất vả của nghề kiếm bạc lẻ. Ấy nhưng, chỉ một niềm vui nho nhỏ như “sáng nay được chủ nhà ở Thái Hà thuê chuyển nhà, được 300.000 đồng. Hôm nay, bước chân phải ra biết ngay số đỏ” là khiến khuôn mặt anh bừng lên như bắt được vàng.

     

    Những cuộc đời vẫn lặng thầm mưu sinh. Giá lạnh với họ cũng chỉ là chuyện nhỏ, bởi cơm áo và đàn con ở quê mới là điều đáng nghĩ!
     
    Theo Giadinh.net.vn