
Nguy cơ “dịch chồng dịch” đang rất gần!
Trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng, dịch sởi bùng phát với số ca mắc tăng nhanh. Đồng thời, ở ngay “sát sườn” là nước láng giềng Trung Quốc thì cúm A(H7N9) cũng diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng và có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.
Trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng, dịch sởi bùng phát với số ca mắc tăng nhanh. Đồng thời, ở ngay “sát sườn” là nước láng giềng Trung Quốc thì cúm A(H7N9) cũng diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng và có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.
Vượt ngưỡng năm 2013?
Đối với dịch sởi, theo thống kê của ngành y tế, chỉ trong vòng gần 2 tháng đầu năm 2014 cả nước đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc, gần tương đương với số mắc của cả năm 2013; trong đó có 4 ca tử vong. Số mắc tập trung tại các địa phương như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, TP HCM. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi do chưa đến tuổi tiêm chủng, chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi trong những năm trước. Đặc biệt, đợt dịch này đã xuất hiện nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) mắc bệnh.
Tại Hà Nội, BV Nhi Trung ương vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trẻ mắc sởi nhập viện. Trong 13 ngày đầu tháng 2, trung bình một ngày có 7-8 trẻ; ngày cao nhất là 16; trong khi tháng 1 chỉ có 4-5 trẻ. Các ca nặng chủ yếu dưới 9 tháng tuổi.
“Tại TP HCM, hiện vẫn ghi nhận số ca mắc cao, trung bình 1 tuần 25-30 ca. Dịch ở khu vực phía Nam ghi nhận rải rác, trong đó xảy ra chủ yếu ở TP HCM. Số mắc ban đầu những tháng trước lẻ tẻ, giờ lan dần, tăng cao, tập trung phía Tây TP. Dịch tễ có điểm khác biệt là chủng của dịch sởi do xâm nhập từ bên ngoài vào- chủng này được phân lập nhiều tại Trung Quốc, Nhật, Malaysia... Về tuổi mắc có 43% dưới 18 tháng, đặc biệt là có 13% dưới 9 tháng” - ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết.
GS-TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trước tình hình dịch sởi hiện nay, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực có diễn biến dịch rộng và phức tạp, tiêm vắc-xin sởi là một trong những biện pháp có hiệu quả trong phòng bệnh. Vì vậy, Sở Y tế các tỉnh/TP trong cả nước-đặc biệt là các tỉnh/TP đang có dịch cần tổ chức chiến dịch tiêm vét ngay trong tháng 3 cho những cháu dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ; có thể tổ chức tiêm vắc-xin ngay tại ổ dịch.
Nếu triển khai tốt chiến dịch tiêm vét sởi thì trong vòng 1-2 tháng tới có thể khống chế được dịch sởi. Toàn quốc dự kiến có khoảng gần 200.000 trẻ sẽ được tiêm vét mũi sởi. Bộ Y tế đã quyết định thành lập 5 đoàn công tác kiểm sát việc tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi, xử lý dịch...

Tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm để phát hiện sớm virus H7N9. Ảnh: Vân Hà
Phòng cúm A(H7N9) là điều không đơn giản!
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại “dịch chồng dịch” khi ngày 14-2 đã ghi nhận ca nhiễm cúm A(H7N9) bên ngoài biên giới Trung Quốc tại Malaysia.
Lo dịch sởi là một phần, nhưng đáng ngại nhất là cúm A(H7N9) từ Trung Quốc xâm nhập vào. Dịch này đang diễn biến khá phức tạp, chưa thấy điểm dừng, ngày càng có xu hướng gia tăng rất nhanh. Phòng chống dịch cúm A(H7N9) là điều không đơn giản. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến để tăng cường giám sát chủng cúm này cũng như cúm A(H5N1).
Để kịp thời ngăn chặn cúm có nguồn gốc từ gia cầm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14-2 yêu cầu tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng phải tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virus cúm A(H7N9) và các chủng virus khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm.
Mặc dù chưa hạn chế đi lại nhưng Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo khách du lịch khi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) không nên tới khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; thường xuyên rửa tay với xà phòng, tuân thủ an toàn thực phẩm và thực hành vệ sinh tốt. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm, cần nghĩ nguyên nhân do cúm A(H7N9) và phải được khám, chẩn đoán để xác định...
Theo Phapluat&Xahoi