Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

    Một ngày sau khi quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không phải mũ bảo hiểm được đưa vào thực hiện, nhiều người dân vẫn "ngơ ngác" chưa biết thế nào là mũ đạt chuẩn. Và tại nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm, nhân viên bán hàng kiêm luôn nhiệm vụ tư vấn về mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người mua.

    Một ngày sau khi quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không phải mũ bảo hiểm được đưa vào thực hiện, nhiều người dân vẫn "ngơ ngác" chưa biết thế nào là mũ đạt chuẩn. Và tại nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm, nhân viên bán hàng kiêm luôn nhiệm vụ tư vấn về mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người mua.

     

    Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?
     
    Từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2014, tất cả các Đội Cảnh sát giao thông (số 1 đến 14), thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Hà Nội, sẽ ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
     
    Thời gian xử lý từ 6h đến 22h hằng ngày, chia làm 3 ca. Theo đó, các hành vi sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe găn máy sẽ bị xử lý như hành vi không đội mũ bảo hiểm. Mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
     
    Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng, nếu phát hiện các trường hợp vận chuyển mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, sẽ bị kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ để bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Các trường hợp vi phạm được phát hiện phải lập biên bản và xử lý theo Nghị định 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
     
     
    Những loại mũ người đội sẽ bị xử phạt nếu sử dụng khi đi mô tô, xe máy.
     
     
    Bộ khoa học công nghệ cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2: 2008/BKHCN), ban hành theo quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN và thông tư 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28/2/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
     
    Theo đó, mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đôi khi tham gia giao thông phải đủ các tính năng sau:
     
    Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo;
     
    Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
     
    Trong đó, nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất;
     
    Nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.
     
    Cũng theo quy chuẩn này, đối với mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được, độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm dài nhất của lưỡi trai không quá 70mm.
     
    Trường hợp mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ, độ dài của lưỡi trai không lớn hơn 50mm. Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.
     
    Người dân đổ xô đi "sắm" mũ bảo hiểm mới
     
    Tối ngày 1/7, theo ghi nhận của PV, tại các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên nhiều con phố lớn: Cầu Giấy, Kim Mã, Thụy Khuê,... lượng khách đến mua hàng rất đông.
     
    Theo chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh mũ bảo hiểm đoạn gần bốt Hàng Đậu (Hà Nội), từ chập tối đến giờ cửa hàng anh đã bán được cả trăm chiếc mũ bảo hiểm "xịn"
     
    "Không chỉ bán hàng, tôi còn phải tư vấn cho nhiều khách hàng, vì nhiều người còn chưa hiểu loại mũ như thế nào mới là mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Các loại mữ bảo hiểm thời trang dạo trước cửa hàng tôi cũng có bán, vì loại này được đối tượng các bạn trẻ thích sử dụng, nhưng giờ loại mũ ấy có bán cũng không có ai mua", chủ cửa hàng này cho biết.
     
    Trong ngày đầu xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, vẫn có rất nhiều người dân ngỡ ngàng không biết đến quy định mới về xử phát mũ bảo hiểm của cơ quan chức năng.
     
    Anh Thảo (Ba Đình, HN) cho biết thêm: "Sáng nay đi làm, đi đến đoạn Liễu Giai thì tôi bị mấy anh cảnh sát giao thông giữ lại nhắc nhở về việc đội mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn. Lúc đó tôi mới biết đến quy định xử phát người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn của cơ quan chức năng. Vì ban ngày còn bận đi làm nên buổi tối tôi tranh thủ đi mua cái mũ bảo hiểm đúng chuẩn cho cả 4 thành viên trong gia đình để từ mai cả nhà yên tâm khi tham gia giao thông".
     
    Theo tìm hiểu của PV, khách hàng chủ yếu tìm mua mũ hiệu Protec, Andes, Napoli, Chase Agonistic, Simpson, Bktec… có giá từ 150.000 – 350.000 đồng/chiếc. Mũ bảo hiểm cho trẻ em có giá chỉ 100.000 đồng với nhiều kiểu dáng, màu sắc ngộ nghĩnh. Mũ người lớn, loại ôm cả đầu có giá từ 300.000 đồng. Đặc biệt, loại dành cho người đi xe phân khối lớn, hầm hố có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng. Mũ bảo hiểm nửa đầu giá dao động từ 220.000 – 350.000 đồng…
     

     

    Tại đại lý mũ bảo hiểm trên đường Cầu Giấy, Hà Nội mấy ngày gần đây, lượng mũ “xịn” bán ra đã tăng hơn trước. Chủ đại lý này cho biết, trước đây, người dân thường mua mũ thời trang vỉa hè bởi sự trẻ trung, tiện lợi và rẻ. Các loại mũ này thường có nhiều kiểu đáp ứng cho khách hàng như mũ khoét sau dành cho nữ khách hàng búi tóc; grain thiết kế rất mỏng, nhẹ, chỉ đội đối phó, giá từ 20.000 – 50.000 đồng. Tuy nhiên, gần tháng trở lại đây lượng người hỏi mua mũ bảo hiểm “xịn” đông hẳn lên, dù phải trả số tiền lớn. 
     
     
    Theo Docbao.vn