Triều Tiên phóng tên lửa "Xịt": Công của Obama hay tính toán khôn ngoan của Kim Jong Un?

    Một ngày sau khi trình diễn hàng loạt loại tên lửa mới trong cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Triều Tiên bất ngờ cho phóng thử tên lửa.

    Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Dave Benham, cho biết đã phát hiện Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa vào lúc 11h21 sáng 15/4 (giờ Hawaii), gần thành phố cảng Sinpo, nhưng tên lửa đã "phát nổ gần như ngay lập tức" sau khi phóng đi, theo báo New York Times.

    Theo Reuters, có một sự tin tưởng cao rằng tên lửa phóng không thành công của Triều Tiên không phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mặc dù vậy Mỹ vẫn đang phân tích để có đánh giá chính xác. Một quan chức của Mỹ cho biết sự kiện này có thể chỉ là một cuộc phóng thử thông thường.

    NYT bình luận, việc chọn thời điểm để phóng thử tên lửa cho thấy nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un hành động liều lĩnh, bởi đây có thể được xem là sự thách thức với Washington, khi nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đang tiến đến ngoài khơi bán đảo sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích từ Bình Nhưỡng.

    Tuy nhiên, việc tên lửa mà Triều Tiên phóng thử "bị xịt" đã đặt ra nhiều hoài nghi về sự kiện này.

    Thứ nhất, phải chăng Washington đã thành công trong việc phá hoại kỹ thuật tên lửa của Bình Nhưỡng?

    Theo NYT, trong ba năm qua có một cuộc chiến bí mật với chương trình tên lửa đã nổ ra giữa Triều Tiên và Mỹ. Khi công nghệ của Triều Tiên được nâng cao, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tìm cách phá hoại hệ thống phóng tên lửa của nước này.

    Việc phá hoại hệ thống phóng tên lửa của Bình Nhưỡng được thực hiện bởi các "kỹ thuật chiến đấu điện tử".

    "Không rõ chương trình đã thành công như thế nào, bởi không thể biết được liệu việc phóng tên lửa thất bại vì bị phá hoại, kỹ thuật bị lỗi hoặc không may mắn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại của chương trình phóng thử tên lửa của Triều Tiên đã cao bất thường kể từ khi ông Obama đẩy nhanh chương trình phá hoại", NYT tường thuật.

    Vì vậy, theo giới phân tích thì không loại trừ khả năng chương trình phá hoại mà Obama thúc đẩy đã có kết quả. Nếu thực sự như vậy, thì đây là một bước ngoặt đối với việc kiềm chế và giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Và nó có thể khiến Mỹ không cần dùng đến phương án tấn công quân sự.

    Thứ hai, một giả thuyết đặt ra nói rằng Bình Nhưỡng "cố tình" phóng thử không thành công như một cách thử phản ứng của Mỹ?

    Việc phóng tên lửa trong thời điểm hiện nay, khi Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn với đồng minh, còn những quả tên lửa Mỹ thì sẵn sàng bay vào Triều Tiên bất cứ lúc nào, là cực kỳ nguy hiểm.

    Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết từ cả Mỹ-Trung, yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, là điều Bình Nhưỡng không chấp nhận, nhất là khi ông Trump đã cảnh cáo ông Kim "hãy biết cư xử". Trong tình huống như vậy, có lẽ hành động nửa vời với việc phóng thử tên lửa "xịt" lại là sự lựa chọn khôn ngoan.

    Cách làm này mang lại hiệu quả kép cho Triều Tiên – vừa thử, vừa thách thức được đối phương. Và có lẽ ông Kim Jong Un đã đạt được mục đích của mình. Bởi lẽ, cho đến giờ phút này thì chưa có hành động trừng phạt nào của Mỹ, cho dù căng thẳng tiếp tục leo thang sau vụ phóng tên lửa.

    Dường như lãnh đạo Triều Tiên không quan tâm tới việc phân tích, điều tra, đánh giá của Washington, Seoul hay Tokyo nữa, bởi dù sao việc phóng tên lửa đã không thành, nhưng lại "làm khó" những người muốn trừng phạt.