Diễn biến mới nhất cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan

    Hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã chiếm được các cơ quan công quyền nhà nước, buộc nữ thủ tướng Yingluck phải áp đặt luật an ninh đặc biệt. Những diễn biến mới nhất dấy lên lo ngại rằng rất có thể kịch bản đẫm máu năm 2010 sẽ tái diễn.

    Hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã chiếm được các cơ quan công quyền nhà nước, buộc nữ thủ tướng Yingluck phải áp đặt luật an ninh đặc biệt. Những diễn biến mới nhất dấy lên lo ngại rằng rất có thể kịch bản đẫm máu năm 2010 sẽ tái diễn.

     

    Hàng nghìn người bao vây trụ sở công quyền

     

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm nay (26/11) cho biết, những người biểu chống chính phủ tại Thái Lan đã chiếm trụ sở của Bộ Tài chính, cơ quan Ngân sách, Bộ ngoại giao, Cục quan hệ công chúng.

    Tại trụ sở của Cơ quan ngân sách, người biểu tình yêu cầu các quan chức ngừng cấp kinh phí cho chính phủ đương nhiệm.

    Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã kêu gọi chiếm đóng "tất cả các cơ quan chính phủ" trong ngày hôm nay và kêu gọi quân đội tham gia đảo chính.

    Cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu diễn ra từ hôm Chủ nhật (24/11), khoảng 200.000 người đã tràn xuống đường phố Bangkok, tuần hành đến hơn một chục cơ quan của nhà nước, gồm cả những cơ sở quân đội và cảnh sát, và một số đài truyền hình do chính phủ hỗ trợ.

     

     

    Trước đó, phe đối lập đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối dự luật ân xá do đảng cầm quyền đệ trình lên quốc hội mà họ cho rằng sẽ giúp cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước.

    Dù dự luật đã bị thượng viện bác bỏ, nhưng cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn diễn ra với lý do chính phủ đang bị cựu thủ tướng Thaksin ‘giật dây’.

    Trong khi đó, lực lượng áo đỏ từ các tỉnh cũng đổ về sân vận động Ratchamangala ở Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ. Tuy nhiên nhóm này chưa có hành động gì để tránh gây thêm náo loạn. 

     

    Áp đặt luật an ninh đặc biệt

     

    Thủ tướng Yingluck Shinawatra thông báo bà sẽ áp đặt Luật An ninh Nội bộ tại mọi quận của Bangkok và các khu vực lân cận thủ đô.

    Bà Yingluck nhấn mạnh rằng lực lượng an ninh sẽ không dùng vũ lực để đối phó với những người biểu tình.

    "Chính phủ sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại người dân. Chính phủ kêu gọi người dân không tham gia biểu tình bất hợp pháp và tôn trọng pháp luật", bà Yingluck tuyên bố.

     

    Nữ thủ tướng Thái Lan đang rơi vào tình thế khó khăn.

    Một số quan chức tiết lộ rằng cảnh sát đang thu thập bằng chứng về hành vi chiếm giữ trái phép các trụ sở công quyền của những người biểu tình và đưa ra các cáo buộc đối với Suthep cũng như những người ủng hộ trong ngày 26/11. Giới chức cũng sẽ giành lại các tòa nhà công quyền trong thời gian sớm nhất để chính phủ tiếp tục hoạt động.

    Kịch bản đẫm máu sẽ tái diễn?

    Giới quan sát cho rằng thủ tướng Yingluck đang ở trong một tình thế khó khăn. Tuy nhiên trên truyền hình vào tối qua, bà Yingluck khẳng định sẽ không từ chức hay giải tán hạ viện.

    Tuyên bố này được đưa ra sau một cuộc họp Nội các nhằm đối phó với tình hình bất ổn hiện nay.

    Dự kiến, trong 2 ngày 26-27/11, quốc hội Thái Lan sẽ họp bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ thủ tướng. Khoảng 20 nghị sỹ của Đảng Dân chủ sẽ chất vấn thủ tướng Yingluck và Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan tại cuộc tranh luận.

    Hôm 25/11, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng chính trị gia tăng và đang theo dõi sát sao tình hình.

    Washington tin rằng con đường tốt nhất phía trước là “tất cả các bên cần làm việc với nhau để giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình theo cách thức tăng cường dân chủ và tôn trọng luật pháp”.

    Những diễn biến mới nhất cho thấy tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Liệu kịch bản như những cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra năm 2010 có xảy ra một lần nữa?

     

    Theo Nguoiduatin