Nhật, Mỹ “song kiếm hợp bích” cảnh cáo Trung Quốc

    Nhật Bản và đồng minh Mỹ hôm qua (24/11) đều đồng loạt lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc áp đặt những quy định mới ở khu vực không phận trên quần đảo vốn là trung tâm của cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo. Cả Nhật và Mỹ đều cảnh báo về một sự leo thang căng thẳng “không ngờ” nếu Bắc Kinh thực thi những quy định đó.

    Nhật Bản và đồng minh Mỹ hôm qua (24/11) đều đồng loạt lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc áp đặt những quy định mới ở khu vực không phận trên quần đảo vốn là trung tâm của cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo. Cả Nhật và Mỹ đều cảnh báo về một sự leo thang căng thẳng “không ngờ” nếu Bắc Kinh thực thi những quy định đó.

     

     

    Vùng phòng không của Trung Quốc bao trùm cả bầu trời trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

     

    Tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc hôm qua đã đưa thông tin về việc nước này thành lập vùng phòng không bao trùm hầu hết vùng trời ở biển Hoa Đông, trong đó có cả khu vực không phận trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

    Bắc Kinh cảnh báo sẽ áp dụng “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp” nếu bất kỳ một chiếc máy bay nào không thực hiện đúng những quy định mà họ đưa ra trong vùng phòng không vừa được lập ra ở biển Hoa Đông.

    Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua đã nói với giới phóng viên rằng, động thái đó của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và nó “có thể dẫn đến những vụ việc không thể lường trước được”.

    Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á cũng là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới bắt đầu “lao dốc không phanh” trong vài tháng trở lại đây vì cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở biển Hoa Đông. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hiện tại quần đảo này đang nằm trong sự quản lý của Tokyo.

    Trung Quốc hôm thứ Bảy (23/11) bất ngờ thông báo thành lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông với quy định máy bay nước ngoài chỉ được đi qua khu vực này sau khi đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục mà Trung Quốc đưa ra, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả nguy hiểm không thể lường trước. Thông báo này đã ngay lập tức châm ngòi cho một “cơn sóng gió” mới trong quan hệ Trung-Nhật.

    Tokyo đã chính thức gửi văn bản phán đối đến Bắc Kinh thông qua Đại sứ quán của Trung Quốc tại Nhật Bản. Giới chức ở Tokyo miêu tả hành động của Bắc Kinh là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” đồng thời cảnh báo sự chồng lấn ở khu vực phòng không mà Trung Quốc lập ra có thể dẫn tới những “tai nạn không lường trước được và không mong đợi ở khu vực không phận đó”.

    Một nhà ngoại giao cấp cao ở Đại sứ quán của Trung Quốc tại thủ đô Tokyo – ông Han Zhiqiang đã bác bỏ sự phản đối của Nhật Bản, nói rằng, “Nhật Bản không có quyền đưa ra những phát biểu và nhận xét vô trách nhiệm như vậy”.

    Theo lời ông Han, mục đích của chính phủ Trung Quốc là nhằm để bảo vệ chủ quyền quốc gia và không phận của nước này chứ không nhằm vào một nước hay một mục tiêu cụ thể nào. Ông Han nói thêm rằng, việc lập vùng phòng không của Trung Quốc không ảnh hưởng đến tự do đi lại qua vùng không phận đó.

    Tờ Tân Hoa xã còn đưa tin, quy định mới nhất liên quan đến vùng phòng không của Trung Quốc đã có hiệu lực từ hôm thứ Bảy (23/11) và Không quân Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay tuần tra đầu tiên ở khu vực này. Tham gia chuyến bay trên có máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ.

    Về phần mình, Nhật Bản chiều 23/11 cũng đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của nước này cất cánh khẩn cấp để đối phó với hai chiếc máy bay do thám của Trung Quốc ở không phận trên biển Hoa Đông.

     

    Mỹ lên tiếng bênh vực Nhật Bản

    Trong một tuyên bố đầy mạnh mẽ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gọi bước đi mới nhất của Bắc Kinh là một “nỗ lực gây bất ổn nhằm thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực”. "Hành động đơn phương đó làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm", ông Hagel cho biết.

     

    Một quan chức giấu tên khác của Mỹ thì cho rằng, hành động của Bắc Kinh có thể được hiểu là "một sự thách thức trực tiếp” đối với các hoạt động và chiến dịch của Nhật Bản ở trong khu vực vốn được bao quanh bởi những vùng biển giàu tài nguyên.

    Cùng với Bộ trưởng Hagel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước động thái của Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo này đã lên tiếng cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản.

    Ông chủ Lầu Năm Góc tái khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ Tokyo nếu khu vực trên bị tấn công.

    Ông Hagel cũng nói rõ ràng rằng, Mỹ với 70.000 quân đang đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ không tôn trọng và tuân theo tuyên bố vùng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

    Tuy nhiên, Washington cũng khẳng định lại một lần nữa rằng, nước này không đứng về bất kỳ bên nào trong các cuộc tranh chấp liên quan đến vấn đề chủ quyền tối cao.

    Nhật Bản đã thề sẽ không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, thậm chí là ngay cả việc thừa nhận có tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo cáo buộc nước láng giềng đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực bằng hành động dọa dẫm, ép buộc.

    Ngoài Mỹ, ở Seoul, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng lên tiếng cho rằng, vùng phòng không mà Trung Quốc vừa lập nên ở biển Hoa Đông đã chồng lấn một phần lên không phận của họ.

    "Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải khẳng định, vùng phòng không của Trung Quốc đã chồng lấn lên một phần không phận của chúng tôi ở khu vực phía tây đảo Jeju", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.

    "Chúng tôi sẽ thảo luận với phía Trung Quốc về vấn đề trên để ngăn không cho hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của chúng tôi”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết thêm.

     

    Theo VnMedia