Lần thứ hai Trung Quốc “rút gươm khỏi vỏ”

    Với việc xác lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) hôm 23-11, lần thứ hai Trung Quốc “rút gươm khỏi vỏ” trong thế kỷ 21 này. Lần thứ nhất là vào tháng 3-2010, Trung Quốc thông báo cho phía Mỹ đưa biển Đông vào phạm trù lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lần này là kiểm soát một vùng trời rộng lớn trên vùng tranh chấp tại biển Hoa Đông.

    Với việc xác lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) hôm 23-11, lần thứ hai Trung Quốc “rút gươm khỏi vỏ” trong thế kỷ 21 này. Lần thứ nhất là vào tháng 3-2010, Trung Quốc thông báo cho phía Mỹ đưa biển Đông vào phạm trù lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lần này là kiểm soát một vùng trời rộng lớn trên vùng tranh chấp tại biển Hoa Đông.

     

    Về phía Trung Quốc, đây là một bước tiến mới để mở rộng không gian phòng không, nhằm đẩy Mỹ ra khỏi phần không phận quốc tế vắt ngang tuyến phòng vệ hải đảo thứ nhất kéo dài từ các đảo phía nam Nhật Bản, ngang qua Đài Loan, Philippines tới khu vực nam biển Đông.
     
    Đối với một cường quốc quân sự khu vực đang nổi lên như Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng tăng hai chữ số liên tục 20 năm qua, hành động này sớm muộn sẽ xảy ra. Nhưng lần “rút gươm” này cũng lợi bất cập hại như lần trước.
     
     
    Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông - Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - Đồ họa: AFP, Tuổi Trẻ
     
     

    ADIZ trên biển Hoa Đông nhằm đối phó với Nhật Bản thì ít, mà đối phó với Mỹ thì nhiều. Trung Quốc đã tiến xa hơn chiến thuật “mèo vờn chuột” trên biển với Nhật Bản, bắt đầu trực tiếp thách thức Mỹ.

    ADIZ là một phần của việc triển khai học thuyết quân sự của Trung Quốc, trong đó bao gồm chiến lược chiến tranh bất đối xứng của quân đội Trung Quốc đối phó với lực lượng quân sự của Mỹ không chỉ trên bộ, trên biển mà cả trên không, trên vũ trụ và trên mạng.

    Vì vậy Mỹ phản ứng tức thời. Chỉ mấy giờ sau khi phía Trung Quốc công bố ADIZ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: “Chúng tôi xem động thái mới này như một nỗ lực phá vỡ cân bằng nhằm thay đổi nguyên trạng tại khu vực. Hành động đơn phương này tăng thêm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán nhầm”.

    Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà người đứng đầu ngành quân sự Mỹ đưa ra trong những năm gần đây chống lại mọi phá vỡ thế cân bằng và nguyên trạng tại Đông Á. Nguyên trạng này chính là trật tự Đông Á thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ cầm trịch.

    Nhưng theo như các tuyên bố đã đưa, Trung Quốc sẽ không dừng lại mà còn thiết lập tiếp ADIZ tại Hoàng Hải và biển Đông, nghĩa là trên toàn tuyến từ biển bắc đến biển nam đối diện Trung Quốc.

    Người ta hẳn còn nhớ sau khi Trung Quốc thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng “khu cảnh bị Tam Sa” tháng 6-2012, tướng La Viện, thường trực Hội Khoa học quân sự Trung Quốc, đã nêu ra khái niệm “ba vùng biển” và “ba vùng trời” cho khu này.

    Theo đó, viên tướng này đề xuất vạch ra các vùng biển mà tàu bè các nước khác muốn đi qua phải xin phép; trên không vạch ra vùng cảnh báo đối với máy bay của đối phương, chỉ cần tiến vào “vùng trời phòng ngự của Trung Quốc” là kiên quyết bắn hạ.

    Song gợi ý ấy, cũng như quy định của nhà đương cục Trung Quốc ở Hải Nam cho phép lính biên phòng khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước ngoài “xâm nhập phi pháp” trên biển Đông từ ngày 1-1-2013, đã bị gác lại do sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trước hết là từ các nước lớn liên quan. Tuy nhiên, chúng bộc lộ ý đồ của Bắc Kinh “lãnh địa hóa biển Đông”.

    Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hong Kong nhân sự kiện 23-11 nhận xét: Trung Quốc biết mình còn thua kém Mỹ về quân sự và tình trạng này chắc chắn sẽ còn diễn ra trong ít nhất hai thập kỷ nữa. Vậy thì tuyên bố ADIZ phải chăng còn là một bước thăm dò? Là phản ứng trước việc đầu tháng 11, Mỹ chuyển giao cho không quân Đài Loan sáu chiếc trực thăng chiến đấu loại hiện đại nhất và Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20-11 thông qua dự luật bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có bốn khinh hạm lớp Perry?

    Tuy chưa nói trước những đối sách cụ thể của các bên, nhưng có thể dự báo chiều hướng và hệ quả của sự việc. Kể từ sau khi Trung Quốc đẩy mạnh chính sách lấn chiếm và kiểm soát biển Đông, Mỹ đã nêu “lợi ích quốc gia” để đối chọi với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, đẩy mạnh chính sách tái cân bằng chiến lược toàn cầu, xoay trục sang châu Á.

    Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện và đối chọi sức mạnh quân sự Mỹ - Trung hiện sẽ còn diễn ra ráo riết. Trên hết, sẽ diễn ra cuộc thư hùng giữa một bên muốn duy trì nguyên trạng và bên kia muốn thay đổi nguyên trạng. Mặt khác, các bên, trước hết giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ tìm kiếm những giải pháp thỏa hiệp cho những vấn đề cụ thể, có thể gồm vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

    Dù gì thì gì, Đông Nam Á cần cảnh giác trước ý đồ Trung Quốc lãnh địa hóa biển Đông.

     

    Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
     
    Theo Docbao.vn